+ Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phòng áp lực âm dùng để cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Xin ông chia sẻ thêm về tác dụng của như hiệu quả của phòng áp lực âm trong quá trình điều trị cho người bệnh?
TS. Phạm Quang Thái: Phòng áp lực âm là một căn phòng có áp suất thấp hơn xung quanh, theo như đúng như tên gọi của nó. Trong căn phòng này, không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Điều này có nghĩa là gió sẽ luôn thổi từ ngoài cửa vào trong.
Để duy trì được áp suất âm trong phòng, nó được thiết kế với trần nguyên khối, cửa ra vào khít với khe hở dưới cánh khoảng 1,27cm, vòi nước, ổ cắm điện, cửa sổ đều được bịt kín.
Một hệ thống bơm hút gió sẽ giúp áp suất trong phòng giảm xuống. Ống hút gió thường đặt ngay gần đầu giường bệnh, gần với hơi thở của bệnh nhân nhất. Thiết kế này giúp cho hơi thở của bệnh nhận khó chạm tới đường hô hấp của bác sĩ khi họ đến tận giường bệnh thăm khám.
Không khí ô nhiễm trong phòng sẽ được xử lý bằng hệ thống lọc không khí hiệu quả cao HEPA (High-efficiency particulate air), lọc virus trước khi thoát ra ngoài theo hệ thống thông gió. Thiết kế này giúp giảm khả năng lây lan của virus, dập tắt hiện tượng lây nhiễm chéo qua dòng không khí giữa các bệnh nhân.
Bên trong phòng áp lực âm ở Bệnh viện Củ Chi. Ảnh: SYT TP. Hồ Chí Minh
|
Hệ thống lọc HEPA hoạt động dựa trên cơ chế khyếch tán và hút tĩnh điện cho phép bắt được các hạt nhỏ hơn kích thước khe hở, 0,3 micromet. Các giọt bắn của mầm bệnh thường có kích thước từ hàng chục micromet trở lên, vì vậy bộ lọc HEPA có thể xử lý >99,99% không khí trong đường ống hút từ phòng áp lực âm. Virus được giữ lại trên các màng bọc này, chúng có thể tự chết hoặc bị chết khi nhân viên kỹ thuật bệnh viện khử trùng bộ lọc và thay mới.
Với nguyên tắc trên, phòng áp lực âm không có tác dụng diệt virus mà chỉ giảm lượng virus trong không khí trong phòng từ đó hạn chế lây cho cán bộ y tế chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
+ Bên trong phòng áp lực âm có nguy cơ nhiễm khuẩn không thưa ông?
TS. Phạm Quang Thái: Bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus gây nhiễm trực tiếp nếu thiếu bảo vệ và ngoài ra vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí.
Trong những tình huống đặc biệt như sự cố rò rỉ máy thở như đã xảy ra tại Bệnh viện, sự lây nhiễm đã xảy ra cho dù bác sỹ được trang bị bảo hộ. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
|
+ Có ý kiến cho rằng sử dụng phòng áp lực âm khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 là có hại, nếu không cẩn trọng có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh. Quan điểm của ông về ý kiến này?
TS. Phạm Quang Thái: Như trình bày ở trên, không khí trong phòng được lọc qua hệ thống lọc trước khi bơm ra ngoài. Virus không thể qua màng lọc này, nếu qua thì cũng đa bị bóc toàn bộ lớp môi trường giúp virus tồn tại và vì thế virus bị tiêu diệt nhanh chóng không thể có cơ hội lây nhiễm. Ngoài ra, đầu ra của hệ thống khí sẽ vào khoảng không cách xa khu vực nhà dân để đảm bảo không thể có chuyện lây bệnh từ bệnh viện sang khu vực dân cư.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Internet
|
+ Trong thời điểm hiện nay, phòng áp lực âm có ý nghĩa như thế nào đối với các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thưa ông?
TS. Phạm Quang Thái: Phòng áp lực âm giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ cho người bệnh ở trong để không bị nhiễm các mầm bệnh khác, đồng thời, các nhân viên y tế không bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân.
Trong hoàn cảnh đại dịch hiện tại máy thở dành cho bệnh nhân suy hô hấp và trang thiết bị phòng hộ, kiểm soát lây nhiễm chéo quan trọng hơn nhiều. Phòng áp lực âm có vai trò rất nhỏ, tốn chi phí, không khả thi trong phòng dịch diện rộng
+ Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì Việt Nam có trang bị đủ phòng áp lực âm để điều trị cho bệnh nhân không thưa ông?
TS. Phạm Quang Thái: Việt Nam cố gắng duy trì không để dịch lan rộng để không bị tình trạng quá tải của hệ thống y tế bao gồm cả những điều kiện như phòng áp lực âm. Trong tình huống bất khả kháng, chính phủ cũng đã chuẩn bị các phương án nhằm đáp ứng kịp thời với diễn biến của tình hình thực tế.
+ Cảm ơn ông!