Khám chữa bệnh từ xa: Xoá khoảng cách trong chăm sóc sức khoẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thí điểm trong đại dịch COVID-19, đến nay, khám chữa bệnh từ xa này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng giúp kết nối các tuyến y tế, giảm tải cho tuyến trên.

vt_pgs-ts-luong-ngoc-khue-tai-tt-dieu-tri--9502741_2032020-1999054_1192020.jpg
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế - tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Bộ Y tế đã tổ chức thí điểm mô hình khám, chữa bệnh (KCB) từ xa (Telehealth) tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội. Mô hình đã phát huy hiệu quả rất tốt, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh trong giai đoạn dịch COVID-19 khi họ không thể đến BV, nên đã cứu sống rất nhiều người.

Cứu chữa bệnh nhân trong dịch COVID-19

Ông Vừ A D., 65 tuổi ở Lào Cai, bị ứ mủ màng phổi, suy hô hấp, nhưng do dịch COVID-19 nên không thể chuyển đến Hà Nội. Các bác sĩ ở BV Đa khoa Mường Khương lúng túng, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao. Nhưng nhờ Telehealth, các bác sĩ địa phương đã được các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội hướng dẫn cách dẫn lưu màng phổi, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

Bà Giàng Thị S., 48 tuổi, ở BV Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) bị chấn thương rất phức tạp, nhưng do cách ly, đường sá xa xôi, không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên ngay. May mắn, thông qua Telehealth, các bác sĩ ở BV Bắc Quang đã hội chẩn với các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội và được hướng dẫn cách xử trí hiệu quả, hạn chế mất chức năng của bệnh nhân, rồi mới chuyển tuyến điều trị.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống nhờ hội chẩn qua Telehealth. Ngoài hội chẩn, các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội còn hỗ trợ các BV ở Campuchia, Lào…

vt_kcb-tu-xa-2-dau-cau-6522206_2462020.jpg
Khám, chữa bệnh từ xa giữa BV Đại học Y Hà Nội và BV Đa khoa Tĩnh Gia (Thanh Hoá) giai đoạn thí điểm mô hình

Từ Hà Nội, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch đã kết nối với y tế tuyến dưới, hướng dẫn cách cấp cứu ban đầu; tư vấn các biện pháp chăm sóc tại chỗ; điều phối, hỗ trợ và chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân tại tuyến trên nếu cần thiết…

Với kết quả bước đầu, Bộ Y tế đã triển khai đề án “KCB từ xa giai đoạn 2020 – 2025” với 1.000 điểm cầu, nhằm giúp mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương trong đại dịch.

Ngay trong năm 2020, đã có gần 20 BV Trung ương kết nối KCB từ xa, trong đó BV Bạch Mai kết nối được 300 điểm cầu, BV Đại học Y Hà Nội kết nối gần 200 điểm và BV Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế - cho biết hiệu quả của Telehealth đã được chứng minh qua bệnh nhân phi công người Anh là một ví dụ điển hình. Thông qua hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra các giải pháp tốt nhất điều trị người bệnh. Nhờ đó, nam phi công đã hoàn toàn khỏi bệnh và trở về nước.

Từ thí điểm thành công, Bộ Y tế đã thống nhất nội dung đề án KCB từ xa để triển khai trên toàn quốc. Đề án này nhằm nâng cao hiệu quả KCB tuyến dưới và năng lực cung cấp dịch vụ KCB của các BV, giảm tỷ lệ chẩn đoán nhầm, chẩn đoán chậm; giảm tỷ lệ chuyển từ BV tuyến dưới lên tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại… Đề án cũng giúp tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ BV tuyến trên về BV tuyến dưới, giảm quá tải tại BV tuyến Trung ương.

Càng ngày, Telehealth càng chứng minh được vai trò quan trọng trong hỗ trợ bệnh nhân, hỗ trợ y tế tuyến dưới. Đây là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của ngành y tế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, kết quả từ Telehealth rất hữu ích cho y tế tuyến dưới và bệnh nhân. Sau hơn 3 năm triển khai Telehealth, hơn 200 cơ sở phối hợp thường quy với BV, khoảng 250 cơ sở đề nghị tham gia... Đã có 248 buổi hội chẩn với 2.248 ca, 316 báo cáo khoa học và 1.200 lượt KCB.

VT_KCB tư xa.JPG
Các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 đang tư vấn cho các BV ở các tỉnh trong cả nước

Xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến

Với những thành công của Telehealth, năm 2023, Bộ Y tế đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (VTelehealth).

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia - chia sẻ: Nền tảng VTlehealth giúp người dân tiếp cận dịch vụ KCB chất lượng hơn, giảm tải cho các BV tuyến trên, hỗ trợ tư vấn KCB từ xa giữa cơ sở y tế tuyến trên với tuyến dưới. Hiện, ứng dụng hoàn toàn miễn phí.

Cũng theo ông Nam, nền tảng này kết nối các cơ sở KCB trên toàn quốc, có danh sách bác sĩ tham gia với đầy đủ thông tin BV, chuyên ngành, quá trình công tác. VTlehealth tích hợp với các ứng dụng khác về y tế, nên người dân chỉ cần cài đặt VTlehealth là có thể tiếp cận được với các bác sĩ trên toàn quốc, để được tư vấn miễn phí.

Để hỗ trợ, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh, tình trạng bệnh được KCB từ xa, hướng dẫn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở…

VT_ Nam.JPG
Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia - chia sẻ về nền tảng VTlehealth

Ông Nguyễn Bá Hùng- Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng dịch vụ chuyển đổi số (Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia) thông tin thêm: Nền tảng VTelehealth gồm chức năng hội thoại truyền hình, chức năng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động; kết nối các thiết bị và hệ thống thông tin tiên tiến để cung cấp các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân.

VTelehealth cho phép quản lý các cơ sở KCB, quản lý nhân viên, người dùng, thống kê hoạt động của các cơ sở KCB, chất lượng các ca tư vấn, hoạt động tư vấn KCB từ xa…

Bên cạnh đó, cổng thông tin và App cho người dân cho phép người dân được tư vấn sức khỏe từ xa, đặt lịch khám, thanh toán viện phí, mua thuốc trực tuyến…Ứng dụng cho nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân chờ khám, tư vấn sức khỏe từ xa, trả kết quả tư vấn…

Nền tảng Vtlehealth hiện đã được triển khai chính thức ở Khánh Hoà, Trà Vinh, Quảng Ninh và Bệnh viện Nhi Thái Bình với hơn 1.700 bác sĩ tham gia; hơn 300.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 260.000 tài khoản được tạo.

Năm nay, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia sẽ phối hợp với ngân hàng triển khai tích hợp giải pháp thanh toán viện phí không tiền mặt trên nền tảng Vtelehealth, đồng thời, triển khai đặt lịch khám, tích hợp đơn thuốc điện tử trên Vtelehealth.

Thiếu cơ chế chi trả cho KCB từ xa

Mặc dù KCB từ xa đã được đưa vào Luật KCB 2023, nhưng việc triển khai nền tảng còn nhiều khó khăn.

Theo đại diện Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, khó khăn đầu tiên là chưa có cơ chế chi cho KCB từ xa, tiếp đó, người dân chưa thấy được lợi ích của việc sử dụng VTelehealth nên không muốn cài đặt ứng dụng.

Bên cạnh đó, người dân đã quen với việc đi KCB trực tiếp tại các cơ sở y tế, lại đa phần là người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… nên cần trực tiếp đến BV, hoặc trạm y tế để khám và nhận thuốc. Cũng do bệnh nhân là người lớn tuổi, không có hoặc không dùng điện thoại thông minh, nên khó sử dụng app.

Hiện tại, đường truyền hình ảnh, video call nhiều khi không ổn định, còn chậm và mất tín hiệu, ảnh hưởng đến việc tư vấn, KCB từ xa thông qua VTelehealth.