Sáng nay, 23/12, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BV ĐHYHN) đã tổ chức hội nghị “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y khoa và tổng kết đề án khám, chữa bệnh (KCB) từ xa” để cùng lãnh đạo ngành, các địa phương, các BV nhìn lại những gì đã đạt được và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Luận; GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội; GS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; 2 Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội: GS. Đoàn Quốc Hưng và Ths. Phạm Hữu Thắng. Cùng dự còn có lãnh đạo nhiều tỉnh và Sở Y tế nhiều địa phương; các BV trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV ĐHYHN - chia sẻ: Gần 20 năm qua, BV ĐHYHN đã không ngừng sự phát triển và chuẩn bị được Bộ Y tế cấp phép 1.000 giường bệnh. BV đã triển khai nhiều dự án, trong đó, tự hào nhất là dự án phát triển CNTT trong KCB.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: KCB từ xa chỉ là một bộ phận trong việc kết nối giữa các BV để nâng cao chất lượng KCB cho người dân Việt Nam. Còn 1 lĩnh vực rất lớn chưa triển khai, hy vọng sau hội nghị này sẽ triển khai mạnh mẽ, là đào tạo liên tục từ xa (CME) cho các bác sĩ. Từ tháng 6/2023, BV ĐHYHN đã tổ chức đào tạo CME online miễn phí cho trên 6.000 lượt học viên và đã cấp gần 2.000 chứng chỉ. “Tôi mong muốn không chỉ BV ĐHYHN mà còn nhiều BV tỉnh sẽ triển khai, giúp cho các địa phương, để tạo ra sự thay đổi trong học tập của các bác sĩ đã ra trường. Đó chính là cách thay đổi chất lượng ngành y một cách tốt nhất” - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận ghi nhận BV ĐHYHN là điểm sáng, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào y tế. Hoạt động chuyển đổi số của BV ĐHYHN đã mang lại hiệu quả to lớn cho người dân.
Theo Thứ trưởng Luận, vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số y tế là tư duy, khát vọng và quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị. Thông qua hội nghị này, hy vọng thành quả của dự án chuyển đổi số ở BV ĐHYHN sẽ lan toả đến nhiều địa phương và mong các tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ số để phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Luận cam kết Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tốt nhất để đáp ứng yêu cầu về hành lang pháp lý trong chuyển đổi số, cũng như trong việc phê duyệt các dự án CNTT và tìm nguồn vốn để phát triển các dự án chuyển đổi số cho các đơn vị.
Chuyển đổi số y tế - cơ sở để bứt phá
Minh chứng cho những hiệu quả đầy tự hào từ quá trình chuyển đổi số tại BV ĐHYHN, PGS.TS. Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc BV ĐHYHN - cho biết: Chuyển đổi số y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận hỗ trợ y tế mọi lúc mọi nơi; giúp nhân viên y tế tăng hiệu suất công việc, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị tốt hơn, đặc biệt là giảm thiểu sai sót. Trong quản lý, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng nguồn dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ việc xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, chuyển đổi số y tế cũng còn nhiều thách thức: Văn hóa tổ chức y tế và nhận thức của bệnh nhân không dễ thay đổi, cùng với những hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số y tế; chi phí đầu tư triển khai lớn và thiếu nhân viên y tế có trình độ CNTT để triển khai. Trong khi dữ liệu là linh hồn của chuyển đổi số thì lại thiếu tập trung, thiếu liên kết trên nền tảng không đồng bộ, chưa đạt chuẩn.
Nhưng hiểu được giá trị quan trọng của chuyển đổi số y tế, BV ĐHYHN đã vượt lên những thách thức của đơn vị tiên phong, để ứng dụng đồng bộ nhiều lĩnh vực: Từ bệnh án điện tử, sổ khám bệnh điện từ; khám, chữa bệnh từ xa, đến quản lý nhân sự, quản lý hành chính, quản lý thuốc, vật tư và thanh toán thông minh vv…
PGS.TS. Đào Xuân Thành phân tích thêm: Triển khai bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử đã làm tăng hiệu suất công việc, tăng hiệu quả điều trị cũng như hiệu quả quản lý; giúp bác sỹ cập nhật tình trạng bệnh nhân mọi lúc mọi nơi. Người bệnh có thể tự theo dõi các thông tin KCB của bản thân. Đặc biệt, làm giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót y khoa và tiết kiệm được chi phí, nguồn lực.
Năm 2017, BV ĐHYHN mới bắt đầu thay đổi phần mềm và triển khai đề án BV thông minh, nhưng với tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, đến nay, BV đã hoàn thành liên kết HIS-LIS-PACS; quản lý vật tư, thuốc bằng phần mềm, 100% bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử; cấp phát thuốc tới giường bệnh và thanh toán thông minh.
Chỉ sau 6 năm triển khai, đến nay, BV ĐHYHN đã có hệ sinh thái đồng bộ: Quản lý 100% người bệnh bằng HIS; Quản lý xét nghiệm (LIS); Chẩn đoán hình ảnh (PACS); Bệnh án điện tử (EMR); Khám bệnh từ xa (Telehealth) và quản lý hồ sơ sức khoẻ (My HMUH).
Với khát vọng và quyết tâm của từng thành viên BV ĐHYHN, chắc chắn, mục tiêu trở thành một BV thông minh đang trong tầm tay.
Khám, chữa bệnh từ xa và CME - thương hiệu BV ĐHYHN
Tháng 4/2020, BV ĐHYHN đã được Chính phủ và Bộ Y tế tin tưởng giao cho triển khai thí điểm hệ thống KCB từ xa. Không phụ lòng tin, BV đã làm được nhiều điều kỳ diệu giữa đại dịch, khi đã hỗ trợ người bệnh được chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ca khó mà không thể chuyển tuyến.
Sau 3 năm triển khai, đã có 151 cơ sở y tế kết nối với hệ thống KCB từ xa của BV ĐHYHN với 296 buổi hội chẩn trực tuyến được tổ chức thông qua hệ thống KCB từ xa với 2.462 ca hội chẩn cùng 370 báo cáo khoa học. Tới đây, BV tiếp tục mở rộng lên hơn 200 cơ sở y tế kết nối, chắc chắn hiệu quả sẽ còn lớn hơn nhiều.
Đặc biệt, chuyển đổi số là cơ sở để BV ĐHYHN mở rộng công tác đào tạo CME. Chỉ sau 4 tháng triển khai, BV đã đào tạo trên 6.000 lượt học viên ở 8 chuyên khoa và cấp miễn phí trên 1.800 chứng nhận CME điện tử.
Thông qua hệ thống trực tuyến, BV ĐHYHN cũng đã có 230 bài giảng về nhiều chuyên khoa cho các cơ sở tuyến dưới, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ.
Chuyển đổi số trong giải phẫu bệnh
Đại diện một đơn vị chuyển đổi số xuất sắc nhất của BV ĐHYHN - TS.BS. Trần Ngọc Minh - Khoa giải phẫu bệnh BV ĐHYHN - cũng đã đưa ra những bằng chứng về hiệu quả to lớn của chuyển đổi số: Ứng dụng Telepathology đã giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị tại chỗ và từ xa, giúp nâng cao trình độ cho bác sĩ tuyến dưới, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Telepathology đã giúp các bác sĩ tuyến trên hỗ trợ được tuyến dưới rất hiệu quả qua hội chẩn, tư vấn các trường hợp khó; chẩn đoán sinh thiết tức thì; phân loại chẩn đoán, điều trị; hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tổ chức đào tạo từ xa, hội nghị từ xa; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Đặc biệt, hệ thống Telepathology còn giúp các bác sĩ tăng cường hợp tác quốc tế khi việc gửi hình ảnh slide qua Internet thuận tiện, chi phí thấp, nhất là không cần kiểm tra hải quan, lại tiết kiệm chi phí lưu trữ, bảo quản mẫu lâu dài.
TS.BS. Trần Ngọc Minh cho biết: Ở BV ĐHYHN, Telepathology đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giảng dạy, đào tạo CME và bệnh án điện tử. Đã có hàng nghìn bệnh nhân ở BV Bình Dương được hội chẩn thông qua Telepathology.
Mặc dù hiệu quả của Telepathology là rất lớn trong phục vụ KCB, song theo TS.BS. Trần Ngọc Minh vẫn còn nhiều khó khăn: Nhiều bác sĩ giải phẫu bệnh còn dè dặt trong việc thay đổi bằng chuyển đổi số; chi phí chuyển đổi đầu tư ban đầu đắt; hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa coi đây là 1 dịch vụ y tế độc lập.
TS.BS. Trần Ngọc Minh cho rằng cần quy định cụ thể các điều kiện thực hiện Telepathology cũng như có khung giá cho dịch vụ Telepathology, hướng tới thanh toán BHYT cho dịch vụ Telepathology.
(Ảnh: Tiến Dũng - Thanh Hằng)