WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ lần thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) ở châu Phi.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO - xác nhận sự gia tăng bệnh Mpox ở Cộng hòa Dân chủ Công gô (DRC) và đang lan ra ngày càng nhiều nước ở châu Phi, tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR).

Ông Tedros cho biết cần có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn bùng phát dịch này và hạn chế tử vong.

Tuyên bố của ông Tedros được đưa ra theo lời khuyên của Ủy ban khẩn cấp IHR gồm các chuyên gia độc lập đã họp trước đó, để xem xét dữ liệu do các chuyên gia từ WHO và các quốc gia bị ảnh hưởng, trình bày.

Các chuyên gia đánh giá tình hình bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, có khả năng lan rộng khắp các nước châu Phi, thậm chí, lan ra các nước khác.

Ủy ban khẩn cấp IHR cũng đã đưa ra đề xuất sử dụng vaccine phòng ngừa mpox trong thời gian tới.

Theo tiến sĩ Matshidiso Moeti - Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, do sự lây lan ngày càng tăng, các nước châu Phi đang mở rộng quy mô phòng, chống dịch đậu mùa khỉ bằng việc phối hợp hành động quốc tế để hỗ trợ các nước chấm dứt sự bùng phát của dịch đậu mùa khỉ.

DMK.jpg
Bệnh đậu mùa khỉ (ảnh: Cục Phòng, chống HIV)

Giáo sư Dimie Ogoina - Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp - cho biết: “Sự bùng phát của bệnh Mpox ở các vùng của châu Phi, với sự lây lan của một chủng virus đậu mùa khỉ lây truyền qua đường tình dục mới, là một trường hợp khẩn cấp, không chỉ đối với châu Phi mà còn đối với toàn cầu. Mpox có nguồn gốc từ châu Phi từng gây ra đợt bùng phát toàn cầu vào năm 2022. Đã đến lúc phải hành động dứt khoát để ngăn chặn lịch sử lặp lại.”

Đây là lần thứ hai WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tháng 7/2022, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ và tháng 5/2023, WHO đã dỡ bỏ tình trạng này.

Theo số liệu của CDC châu Phi, đã có 38.465 ca mắc Mpox và có 1.456 ca tử vong. Các nước cũng bị đậu mùa khỉ lây lan gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều triệu chứng khác nhau. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng là phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Trước đó, trả lời câu hỏi của VietTimes về mối liên quan giữa đậu mùa khỉ với HIV mà các chuyên gia của CDC Mỹ khuyến cáo, TS. Minesh Shah - cố vấn Y tế của CDC Hoa Kỳ - giải thích: Thế giới hiện đã ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Mpox và phần lớn ở châu Âu và châu Mỹ, trong đó, đa số là nam quan hệ đồng giới và người nhiễm HIV.

vt-minesh-shah-6895.jpg
inesh Shah - cố vấn Y tế của CDC Hoa Kỳ - cho biết mối liên quan giữa bệnh đậu mùa khỉ và HIV

Theo TS. Minesh Shah, nguy cơ lây truyền Mpox là qua tiếp xúc gần, da kề da là chính. Tuy nhiên, khác với giang mai, lậu chỉ lây truyền qua đường tình thì Mpox có thể lây truyền qua việc đụng chạm, có thể chỉ là một nốt phát ban, nên nó là nguy cơ với tất cả mọi người.

TS. Minesh Shah đặc biệt lưu ý cộng đồng nam quan hệ đồng giới cần biết đến vì nhiễm trong quần thể này cao hơn các quần thể khác, nhưng không phải chỉ là nguy cơ của riêng nhóm này.

Các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ cũng hướng dẫn mọi người cách tự bảo vệ bản thân: Hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ mắc Mpox của bạn và hỏi về các vắc xin để tiêm phòng. Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban trông giống Mpox. Không dùng chung đồ dùng ăn uống, quần áo hoặc các vật dụng khác mà người mắc mpox đã sử dụng. Chú ý các biện pháp quan hệ tình dục an toàn hơn, như hạn chế số lượng bạn tình hoặc quan hệ tình dục.