Theo quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thuý ký, việc công bố dịch sởi có quy mô toàn thành phố với mức độ của bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Với quyết định này, các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
TP.HCM cũng sẽ thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi - Rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 01 - 05 tuổi đang sống tại địa bàn và có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, từ ngày 23/5 đến 18/8/2024, địa phương đã phát hiện 170 trường hợp bệnh Sởi tại 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, trong đó, có 57 phường, xã có ca bệnh Sởi và 10 quận huyện có 2 phường, xã trở lên có ca bệnh (gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Quận 12, Quận 6, Quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức).
Riêng trong tuần 34 (19/8 đến ngày 25/8), TP.HCM ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 525 ca, trong đó, 3 ca tử vong.
TP.HCM làm gì sau công bố dịch?
Cùng với quyết định công bố dịch sởi, UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch ứng phó với dịch sởi.
Theo đó, Sở Y tế phải phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch; triển khai các hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi, kể cả tiêm chủng; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong; báo cáo đầy đủ thông tin các trường hợp mắc sởi và các ổ dịch sởi.
Chiến dịch tiêm vắc xin sởi được đa dạng hóa hình thức triển khai như tiêm tại cơ sở giáo dục, tại cơ sở nuôi dưỡng, trạm y tế, bệnh viện.
Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và báo cáo lên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế trong vòng 24 giờ.
Củng cố hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, để phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và các trường mầm non.
Các cơ sở y tế phải phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi ngờ sởi với các bệnh khác; yêu cầu người bệnh sởi hoặc nghi ngờ sởi hoặc có triệu chứng hô hấp thì phải mang khẩu trang khi đi khám bệnh. Bố trí khu vực tiếp nhận bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi.
Sở Y tế TP.HCM bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa sởi trong bệnh viện.
Đặc biệt, UBND TP.HCM coi trọng việc tăng cường kết nối và liên thông dữ liệu trong công tác phòng, chống dịch, thiết lập kênh chia sẻ thông tin về tình hình bệnh sởi giữa TP.HCM với các tỉnh bạn. Phối hợp điều tra dịch tễ các trường hợp mắc hay nghi mắc bệnh sởi để xác định nguồn lây, khoanh vùng và xử lý khi có ổ dịch; chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong phòng, chống dịch sởi giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phía Nam; sẵn sàng chi viện hỗ trợ nguồn nhân lực phòng, chống dịch trong các tình huống khẩn cấp.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; tổ chức mua sắm vắc xin, thiết bị y tế theo quy định về chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu phục vụ chiến dịch tiêm phòng, chống dịch Sởi trong trường hợp cần thiết.
Nếu dịch bệnh bùng phát, UBND TP.HCM giao cho Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND bổ sung kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn kịp thời, phù hợp.
Lỗ hổng tiêm phòng vắc xin
Nhận định về dịch sởi quay trở lại sau một năm không có ca mắc ở TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho biết nguyên nhân chính là do “lỗ hổng” tiêm phòng, tích lũy số trẻ chưa được tiêm vắc xin qua mỗi năm.
“Nếu tỷ lệ tiêm phòng không đạt trên 95-96% thì chắc chắn bệnh sởi sẽ quay lại. Nếu trong 100 trẻ có 10 trẻ không tiêm phòng mỗi năm thì 5 năm sau sẽ có 50 trẻ và số trẻ này mắc bệnh sẽ lây rất nhanh cho toàn bộ trẻ chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ”, bác sĩ Khanh dẫn chứng.
Cũng theo bác sĩ Khanh, nguồn lây sởi trong cộng đồng không chỉ là các trẻ nhỏ mắc bệnh sởi mà còn là những trẻ lớn, người lớn mắc bệnh sởi nhưng không có triệu chứng điển hình. Đây chính là lý do nhiều ca mắc sởi không rõ nguồn lây. Ví dụ ở người lớn, triệu chứng sởi nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Người bệnh vẫn đi học, đi làm bình thường.
“Hiện ca bệnh sởi vẫn tiếp tục tăng chứng tỏ phụ huynh ý thức đến việc tiêm phòng vắc xin sởi chưa đúng - đủ, nếu tiếp tục như vậy thì chắc chắn bệnh sởi sẽ còn tăng nữa”, bác sĩ Khanh bày tỏ lo ngại và khuyến cáo tất cả mọi người cần tiêm chủng đầy đủ để tạo miễn dịch cộng đồng đầy đủ.
Bác sĩ Khanh cảnh báo trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng và đặc biệt các trẻ không tiêm phòng được như mắc bệnh tim bẩm sinh, đang mắc bệnh lý điều trị nặng, suy giảm miễn dịch… rất dễ gặp biến chứng và tử vong cao nếu mắc sởi. Do đó, việc ý thức tiêm phòng đầy đủ, kịp thời rất quan trọng vì không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ cho cộng đồng, đặc biệt là các trẻ không tiêm chủng được hoặc chưa đủ tuổi tiêm.