Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung trước khi trình Quốc hội thông qua vào 10/2024, sáng nay, 29/8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật này.
Luật Bảo hiểm y tế nhiều bất cập
Tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành đã có một số quy định không phù hợp với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp, bảo đảm quyền của người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện hồ sơ để sửa đổi những vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách đã được tổng kết qua thực tiễn, nhằm tháo gỡ.
Trước khi trình dự án Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (sau đây gọi tắt là dự Luật BHYT 2024) lên Quốc hội, Bộ Y tế đã xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan, đối tượng chịu sự tác động của Luật này và tiếp tục tổ chức hội nghị ý kiến dự Luật này, nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT và sử dụng an toàn, hiệu quả Quỹ BHYT.
Theo Thứ trưởng Tuyên, một mục tiêu của BHYT sửa đổi lần này là đến 2030 có trên 95% người tham gia BHYT, từ đó giảm chi tiền túi dưới 30% (hiện đang trên 30%); trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu được BHYT thanh toán; hoàn thiện giá dịch vụ theo hướng tính đúng tính đủ.
Người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo được tạo thuận lợi
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - thông tin: Dự Luật BHYT 2024 cập nhật các đối tượng tham gia BHXH theo Luật BHXH mới. Người lao động ở doanh nghiệp chỉ cần làm việc một tháng là được tham gia BHYT (trước phải ba tháng). Việc bao phủ đầy đủ các đối tượng tham gia BHYT sẽ làm tăng nguồn thu BHYT từ đối tượng mới tham gia, đồng thời, đạt chỉ tiêu BHYT toàn dân là 95% mà Chính phủ giao.
Bà Trang cho biết phạm vi quyền lợi của bệnh nhân KCB BHYT được mở rộng: Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân vẫn phải lấy giấy chuyển trong năm theo trình tự từ dưới lên cơ sở điều trị ở tuyến trên. Nhưng dự Luật BHYT 2024 sẽ có danh sách các bệnh phải lên tuyến trên điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí do không phải KCB trùng lặp ở tuyến dưới và tuyến trên.
Dự Luật BHYT sửa đổi 2024 đề xuất quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở KCB chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế.
Đại diện Vụ BHYT lưu ý: Một số bệnh được hưởng 100% chi phí KCB BHYT là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí KCB BHYT trong phạm vi được hưởng, thay cho được hưởng 80% chi phí KCB BHYT trong phạm vi được hưởng như hiện nay, chứ không phải BHYT sẽ chi trả 100% chi phí KCB của bệnh nhân.
Mở rộng nhiều quyền lợi
Dự Luật BHYT 2024 cho phép chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, hoặc cơ sở KCB cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh đã được điều trị ổn định về cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, hoặc ngang cấp hoặc trường hợp cần điều trị dài ngày, chuyển người bệnh về cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu quản lý, theo dõi.
Tức là người bệnh đã được chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính, kê đơn ở tuyến trên thì có thể về tuyến dưới điều trị và hưởng thuốc, vật tư y tế như ở tuyến trên, để người dân điều trị ở đâu cũng được hưởng thuốc tốt nhất.
Hiện, BHYT chỉ chi trả cho xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân từ huyện lên tỉnh, nhưng dự Luật BHYT lần này đề xuất thanh toán BHYT cả việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB, trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở KCB theo yêu cầu chuyên môn và cần vận chuyển bằng xe vận chuyển người bệnh chuyên dùng.
Dự án Luật BHYT cũng cho phép điều chuyển thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế BHYT nếu không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở KCB khác - điều mà Luật hiện hành không chi trả.
Một nội dung quan trọng của Luật BHYT lần này là chi trả BHYT cho việc chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù. Điều này giúp giảm chi dài hạn cho Quỹ BHYT, giảm tỷ lệ mắc, tăng nặng, tử vong. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc, cần triển khai thí điểm trước khi thực hiện chính thức.
Dự án Luật BHYT 2024 đề xuất thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khi bệnh viện không đủ cung cấp thuốc, vật tư y tế. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu đang là vấn đề nóng của xã hội.
“Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng không mở quá để tránh việc các bệnh viện không chịu đấu thầu, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT” - Bà Trang giải thích.
Người bệnh có thể đăng ký KCB ban đầu ở các phòng khám đa khoa, TTYT huyện vẫn được hưởng 100% BHYT, nhằm thu hút người bệnh về tuyến dưới để giảm tải tuyến trên.
Bà Trang thông tin thêm về điểm mới của dự Luật BHYT sửa đổi là phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả với đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý quỹ BHYT tối đa 5% hiện nay xuống tối đa 4%, phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ KCB BHYT. Như vậy, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ KCB BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở KCB.
Đại diện BHXH Việt Nam ủng hộ việc mở rộng phạm vi hưởng của đối tượng tham gia BHYT, nhưng đề nghị Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể, chi tiết, khách quan mỗi phần mở rộng cần chi trả bao nhiêu, số thu có bảo đảm thu chi hay không.
Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh thực tiễn Luật BHYT hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, nếu không sửa thì bệnh nhân nghèo rất khổ. Đây là những vấn đề mang tính cấp bách. Chủ trương của ngành y tế là lấy người bệnh làm trung tâm, nên sửa Luật để người dân tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, tốt nhất.
Ông Tuyên yêu cầu Ban soạn thảo dự luật chú ý vấn đề thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khi do điều kiện khách quan khiến bệnh viện không đủ thuốc, vật tư y tế, nếu không bệnh nhân có thể tử vong, nhưng phải đúng chỉ định, không lạm dụng. Đặc biệt chú ý thanh toán BHYT với những bệnh mới nổi, cấp bách mà hiện chưa có quy định, như đã từng gặp trong đại dịch COVID-19.