PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Tăng cường hội chẩn từ xa bằng Telehealth để cứu bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) là giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh - Văn Đạo)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh - Văn Đạo)

Đây là ý kiến của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – khi kiểm tra các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào chiều nay, 23/8.

Tại Vĩnh Long, đến hết ngày 22/8 đã có hơn 2.000 ca mắc COVID-19 được điều trị ở các bệnh viện dã chiến. Hiện, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Vĩnh Long thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương (200-250 giường) đã được thiết lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã cử nhân lực vào hỗ trợ điều trị.

TS.BS. Phan Hữu Phúc – người trực tiếp quản lý Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Vĩnh Long - cho biết: “Trung tâm không chỉ điều trị bệnh nhân nặng cho Vĩnh Long mà còn các tỉnh lân cận. Hiện Trung tâm đã đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men điều trị cho 100 giường. 50 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại đây”.

TS.BS. Phan Hữu Phúc (áo xanh bên trái) thông tin về tình hình điều trị COVID-19 (Ảnh - Văn Đạo)

TS.BS. Phan Hữu Phúc (áo xanh bên trái) thông tin về tình hình điều trị COVID-19 (Ảnh - Văn Đạo)

Theo BS. Phúc, chiến lược đang được áp dụng hiệu quả là cá thể hóa cho từng bệnh nhân để có từng phương án điều trị thích hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ đó, hạn chế tối đa các ca bệnh phải đặt nội khí quản, tập trung vào hỗ trợ hô hấp từ thở oxy đến oxy dòng cao, thở máy không xâm lấn, thay đổi tư thế (nằm sấp) cho bệnh nhân, duy trì oxy để liên tục chờ thời gian tối ưu hóa sử dụng các loại thuốc kháng đông, chống viêm.

Kết luận buổi kiểm tra, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Hệ thống chỉ đạo chống dịch, điều trị phải thông suốt, phối hợp nhịp nhàng. Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu như PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu và nhiều thầy thuốc khác vào Tỉnh Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ cần tăng cường Telehealth để hướng dẫn từ tuyến trên cho tuyến dưới.

2 tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long cần phổ biến kỹ năng vận hành kết nối Telehealth thành thạo đến các tuyến cơ sở. Các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến thông qua Telehealth để được hướng dẫn phác đồ điều trị chuẩn. Khi chuyển bệnh nhân phải chuyển một cách chính xác. Bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 thông qua hướng dẫn trực tuyến nếu chăm sóc, điều trị tốt thì sẽ giảm tỉ lệ chuyển biến nặng và tử vong.