Đề xuất người làm nghề lái ô tô phải khám sức khỏe định kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế đề xuất tài xế ô tô chuyên nghiệp phải khám sức khỏe định kỳ, còn người lái xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn nếu mất khả năng lao động, ảnh hưởng đến việc lái xe.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến lần đầu cho dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Trao đổi với VietTimes, ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, đơn vị soạn thảo Thông tư này - cho biết Thông tư Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có một số điểm mới, như thay đổi phân hạng giấy phép lái xe, thêm đối tượng là người điều khiển xe máy chuyên dùng, do đó Bộ Y tế phải xây dựng lại tiêu chuẩn sức khỏe phù hợp cho từng đối tượng.

Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô.

Thông tư được áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, người sử dụng lao động lái xe ôtô, các cơ sở y tế khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng...

Việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng với người làm nghề lái xe ô tô.

Một điểm mới trong Thông tư này là quy định người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn, ảnh hưởng đến việc lái xe.

Ví dụ, sau khi được cấp giấy phép lái xe gắn máy rồi, tài xế bị bệnh rối loạn tâm thần cấp hoặc bị tai nạn bị dẫn đến liệt vận động từ hai chi trở lên; cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)… thì phải chủ động khám lại. Vì những bệnh này theo tiêu chuẩn lái xe thì không còn đủ điều kiện về sức khoẻ để lái xe nữa.

Quy định này dựa theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

uploaded-thanhchungbna-2023_08_0.jpg
Theo dự thảo Thông tư, lái xe ô tô chuyên nghiệp phải khám sức khoẻ định kỳ.

Trong dự thảo Thông tư, Bộ Y tế cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình khám sức khỏe.

Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động lái xe ô tô là phải sử dụng lái xe ô tô bảo đảm sức khỏe theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đột xuất cho người lái xe ô tô.

Trách nhiệm của nhân viên y tế trong việc thực hiện khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng là phải thực hiện đúng nhiệm vụ được người có thẩm quyền phân công; kiểm tra đối chiếu ảnh trong Giấy khám sức khỏe/Sổ khám sức khỏe trước khi khám sức khỏe; thực hiện đúng các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để khám sức khỏe, bảo đảm kết quả khám trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Những trường hợp khó kết luận, bác sỹ khám sức khỏe đề nghị hội chẩn chuyên môn theo quy định.

Còn cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Ngoài việc kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng của các cơ sở y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế có quyền đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoặc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ này mà không đủ điều kiện.

Chi phí khám sức khỏe do tổ chức, cá nhân đề nghị khám sức khỏe trả cho cơ sở khám sức khỏe. Trường hợp người được khám sức khỏe có yêu cầu cấp từ hai giấy khám sức khỏe trở lên, thì phải nộp thêm phí cấp giấy khám sức khỏe theo quy định của cơ sở đó.

Thông tư này dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Khi đó, Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 28/8/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải “Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe” hết hiệu lực.