Những thay đổi mạnh mẽ của ngành y tế với bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, bác sĩ số đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc thông tin đầy đủ hơn về công tác chuyển đổi số y tế, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế - về vấn đề này.
Từng bước xóa bệnh án giấy
Thưa ông, hiện trên cả nước đã có bao nhiêu bệnh viện (BV) triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đã ghi nhận có 36 BV triển khai thành công bệnh án điện tử và không dùng bệnh án giấy. Ở đây phải nhấn mạnh việc “không dùng bệnh án giấy”, vì có nhiều BV đã bước đầu triển khai bệnh án điện tử, nhưng chưa đạt đến mức không dùng bệnh án giấy.
Tất nhiên, với số lượng các BV, cơ sở y tế trên toàn quốc, thì con số 36 đơn vị là nhỏ, nhưng tôi cũng nhắc lại là các chuyên gia cũng nhận định công tác ứng dụng CNTT trong BV là rất phức tạp, rất khó khăn, khó từ nghiệp vụ đến các vấn đề liên quan trong điều chỉnh quy trình KCB.
Quy trình trong BV là công tác KCB và chăm sóc cho người dân, ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nên phải hết sức thận trọng và phải làm chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hệ thống trong đó phải đảm bảo các yếu tố về nghiệp vụ, về an toàn thông tin và các vấn đề pháp lý, dẫn đến các đơn vị cũng triển khai chậm để đạt được mức bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Ngoài ra, còn khó khăn là phải đầu tư hạ tầng cơ sở mới đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Các chuyên gia của BV Việt Đức khám bệnh từ xa cho các bệnh nhân nặng ở các tỉnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 |
Để giải quyết việc này, chúng tôi đang rà soát, đánh giá và hướng dẫn, thậm chí năm tới sẽ sửa đổi Thông tư 46 hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để tháo gỡ khó khăn, giúp BV dễ dàng thực hiện, thúc đẩy triển khai nhanh hơn. Bởi hiện nay có một số công nghệ mới giúp thực hiện nhanh chóng, thay vì tự đầu tư, như thuê dịch vụ hạ tầng, thông qua đó nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử. Trước đây, BV phải tự đầu tư, mà đầu tư thì một quy trình mất hàng năm trời, chưa kể xin kinh phí vv…
Về mục tiêu 2025 các BV có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ, cơ bản các BV đã có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư. Hầu hết các BV đều được quản lý ở các địa phương, nên nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện, cũng như bố trí nguồn lực kinh phí để cho các BV triển khai, thì tôi tin rằng 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Trong số 36 BV đã sử dụng bệnh án điện tử, thì BV nào ở vùng sâu, vùng xa đã triển khai được, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Đó là BV Đa khoa tỉnh Yên Bái. Ở vùng núi, nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Sở Y tế và UBND tỉnh rất tạo điều kiện và hỗ trợ BV triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Và họ đã làm rất hiệu quả, rất bài bản. Rõ ràng, một BV miền núi mà thành công vượt qua cả một số tiêu chuẩn, chính là động lực để các BV khác trên toàn quốc học tập, tham khảo, từ đó thúc đẩy triển khai thành công.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc BV Việt Đức - tư vấn từ xa cho một số ca bệnh nguy hiểm |
Ở tuyến huyện thì cơ bản các BV, TTYT ở Phú Thọ đã triển khai bệnh án điện tử, đã có hơn 70% đơn vị không dùng bệnh án giấy. Tuy nhiên, việc triển khai của các BV tuyến huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Sẽ luật hóa hình thức KCB từ xa
Chuyển đổi số giúp hình thành bác sĩ số và thay đổi cơ bản phương thức KCB từ trực tiếp sang trực tuyến. Ông có thể cho biết, hiện nay, việc triển khai có khó khăn, thuận lợi thế nào?
Ông Nguyễn Trường Nam: Khi triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là hướng tới bác sĩ số thì cũng có những thuận lợi khó khăn, nhất định.
Thuận lợi vì khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên thế giới, không riêng Việt Nam. Mà Việt Nam cũng đang có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là phải chuyển đổi số, và y tế cũng nằm trong xu hướng đó, nên đây là thuận lợi để chuyển số nói chung trong y tế và hình thành bác sĩ số tất yếu phải thực hiện.
Bên cạnh đó, KCB là then chốt số của chuyển đổi số y tế. Khi đã là then chốt thì bắt buộc phải triển khai hiệu quả.
Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của Chuyển đổi số Quốc gia trong quyết định 749 của Chính phủ về phê duyệt Chuyển đổi số quốc gia đến 2025 -2030. Trong đó, đã chỉ rõ tất cả các cơ sở KCB nhà nước phải hình thành bộ phận y tế từ xa. Như vậy, khi triển khai từ khám bệnh trực tiếp sang trực tuyến cũng dựa trên nền tảng thiết bị từ xa.
Đây là thuận lợi vì đã có định hướng của Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, để các cơ sở y tế có căn cứ và yêu cầu phải thực hiện, giúp thúc đẩy vấn đề bác sĩ số nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Các bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội khám bệnh từ xa cho tuyến dưới |
Trong đợt dịch vừa rồi, các bác sĩ cũng đã làm quen và hiểu rõ hơn việc dùng CNTT trong KCB cũng như chuyển đổi số, thay đổi phương thức cũ sang mới. Điều này nếu không có trong đại dịch thì việc hình thành thói quen sẽ mất quá trình dài hơn. Nhưng đã qua rồi nên sẽ giúp cho việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số Y tế rõ ràng hơn. Cán bộ y tế đã tiếp nhận và làm quen dần nên khi triển khai bác sĩ số sẽ đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả và tính sẵn sàng.
Người dân là người thụ hưởng thì qua đại dịch cũng đã tiếp cận y tế từ xa, nên dễ dàng sử dụng các dịch vụ về khám bệnh trực tuyến. Như vậy, việc hình thành bác sĩ số là vấn đề thuận lợi.
Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là công nghệ thì với sự phát triển công nghệ hạ tầng viễn thông, đặc biệt đã có kết nối 4G, 5G,6G nên cũng tạo điều kiện cho triển khai khám, tư vấn trực tuyến dễ dàng. Trước đây kết nối mạng thấp thì triển khai việc khám trực tuyến rất khó khăn, thậm chí không hiệu quả. Nhưng với công nghệ số, tần số viễn thông phát triển mạnh, đảm bảo cho việc thúc đẩy triển khai khám bệnh trực tuyến, tư vấn, khi âm thanh rõ ràng, hình ảnh sắc nét và có thể chuyển tải dữ liệu y khoa thông qua ứng dụng trên môi trường mạng.
Còn khó khăn ở đây là hành lang pháp lý. Bác sĩ khám bệnh trực tuyến trong giai đoạn đại dịch, tức là cũng trong hoàn cảnh, chứ chưa được pháp lý hóa. Hiện Bộ Y tế đang từng bước pháp lý hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Thông tư về quy định KCB từ xa để có căn cứ pháp lý và hướng dẫn cơ sở y tế triển khai hiệu quả; đưa khám bệnh từ xa vào dự thảo Luật KCB (sửa đổi). Khi được luật hóa, sẽ tiến tới thanh toán bảo hiểm y tế với hình thức khám bệnh từ xa.
Khi Quốc hội thông qua Luật KCB sửa đổi và Bộ Y tế ban hành Thông tư, sẽ giúp thúc đẩy phát triển bác sĩ số.
Vấn đề nữa là nguồn lực. Khi triển khai khám bệnh trực tuyến, cần phải đầu tư nguồn lực về trang thiết bị, hạ tầng kết nối. Nhưng các cơ sở y tế còn hạn chế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, nên cần được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền cũng như các cơ quan quản lý, để giải quyết vấn đề này.
Khó khăn trong hình thành bác sĩ số còn là tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như trình độ nhân lực. Các bác sỹ ở các tuyến trên có thể dễ dàng triển khai với chất lượng chuyên môn tốt hơn, nhưng bác sĩ ở địa phương thì còn nhiều khó khăn. Như vậy, nếu không có giải pháp phù hợp, sẽ dẫn đến một số khu vực phát triển tốt, chỗ khác lại không phát triển được.
Khi bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, các nhân viên y tế sẽ nhàn hơn trong việc theo dõi bệnh nhân |
Chuyển đổi số giúp kết nối dữ liệu phân mảnh
Chuyển đổi số ngành y tế sẽ cắt giảm chi phí phát sinh cũng như thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu y tế nước ta đang nằm rải rác ở các vùng miền. Đây có phải là nguyên nhân giảm tốc độ chuyển đổi số ngành y tế không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Đúng là có một nguyên nhân như vậy. Bởi để chuyển đổi số, chúng ta phải dựa trên dữ liệu. Dữ liệu đóng vai trò then chốt đến thành công của chuyển đổi số. Giai đoạn trước, chúng ta ứng dụng tin học hóa để giải quyết một số bài toán nghiệp vụ trong KCB. Ví dụ BV chỉ triển khai phần mềm quản lý thông tin BV, vì chỉ có nhu cầu quản lý công tác KCB. Nhưng nếu chuyển số y tế thì phải ứng dụng CNTT một cách tổng thể, toàn diện và công nghệ số đem lại sự thay đổi tích cực và hiệu quả trong nâng cao chất lượng KCB. Như vậy, BV cần phải ứng dụng toàn diện và các phần mềm phải được liên thông với nhau.
Có BV triển khai tới 20 phần mềm nhưng dữ liệu không được liên thông, chia sẻ với nhau. Để chuyển đổi số thì phải kết nối, chia sẻ dữ liệu và hình thành quy trình mới có sự liên thông. Muốn liên thông phải có dữ liệu nên khi dữ liệu trong từng cơ sở bị phân mảnh, rời rạc thì chuyển đổi số của chính BV đó cũng không thể thực hiện nổi.
Do vậy, việc đầu tiên là các BV phải liên thông dữ liệu, các phần mềm phải kết nối và chia sẻ được với nhau. Muốn vậy, mỗi BV phải hình thành kho dữ liệu để đón nhận dữ liệu từ các phần mềm được quản lý tập trung và chia sẻ dữ liệu giữa các khoa phòng, bộ phận.
Ngoài ra, các địa phương cũng phải hình thành kho dữ liệu y tế của mình, để các cơ sở KCB liên thông dữ liệu vào đó. Khi người dân đi KCB ở các BV khác nhau, thì dữ liệu KCB sẽ được liên thông. Cơ quan quản lý dựa trên dữ liệu đó để đưa ra các quyết định và nghiên cứu về các vấn đề quản lý tình hình KCB trên địa bàn. Các cơ sở, các địa phương kết nối về Bộ Y tế là cơ quan Trung ương quản lý về KCB và sẽ hình thành kho dữ liệu y tế của ngành. Kho dữ liệu này sẽ kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội KCB từ xa, hỗ trợ cho các BV tuyến dưới |
Hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, trong đó có hình thức kết nối cơ sở dữ liệu y tế sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy trong thông tin quản lý dân cư đã có thông tin về sức khỏe. Đấy là lộ trình những giải pháp để giải quyết bài toán phân mảnh dữ liệu.
Như ông nói, có BV có tới 20 phần mềm thì Bộ Y tế sẽ làm gì để các BV phải thống nhất lại?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trước đây, thời điểm thực hiện tin học hóa thì các phần mềm giải quyết bài toán nghiệp vụ cho BV, BV sẽ chịu trách nhiệm triển khai hiệu quả phần mềm đó. Nhưng với chuyển đổi số thì phải liên thông dữ liệu.
Trong chương trình chuyển đổi số y tế đến cuối năm 2020, chúng tôi đã chỉ đạo để BV nhận thấy cần phải thực hiện những nội dung gì. Tới đây chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, đơn vị về chuyển đổi số và kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số tại các cơ sở KCB, trong đó trọng tâm là Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử. Mà Hồ sơ sức khỏe điện tử được hình thành và xuất phát từ các cơ sở KCB, do đó phải có kho dữ liệu KCB.
Chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể hơn cho các BV về việc triển khai kho dữ liệu chuẩn hóa để kết nối đồng bộ trong một cơ sở KCB, một địa phương với nhau và từ địa phương về Bộ Y tế, rồi từ Bộ Y tế kết nối với Chính phủ.
Cám ơn ông đã trao đổi!
Thanh Hằng (thực hiện)