Ngại kết hôn và “lười” đẻ: Việt Nam đối mặt với mức sinh thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xu hướng không muốn kết hôn, kết hôn muộn, “lười” đẻ… gia tăng, khiến sau gần 20 năm thực hiện kế hoạch hoá - gia đình, Việt Nam hiện đối mặt với mức sinh thấp đáng lo ngại, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

VT_ Kết quả của Ươm mầm HP2.jpg.jpg
Cần bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con để nâng mức sinh

Tại hội thảo quốc tế “Tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp” do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức sáng 28/8, tại Hà Nội, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số - cho biết: Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số và từ 2006, đã duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế, bước vào thời kỳ dân số vàng.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới: Mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ - mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục lan rộng.

Càng thu nhập cao càng ngại đẻ

Cả nước có 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước lại là vùng có mức sinh thấp nhất, mỗi phụ nữ sinh 1,47 con. Trong đó, mức sinh tại tỉnh Đồng Nai là 1,52 con/phụ nữ, Tây Ninh 1,50 con/phụ nữ.

Tại TP.HCM, mức sinh đang ở mức thấp chưa từng có. 15 năm qua, mức sinh của TP.HCM giảm từ 1,45 con/phụ nữ xuống 1,32 con/phụ nữ, trở thành địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh giảm từ 1,84 con/phụ nữ xuống 1,54 con/phụ nữ. Mức sinh thấp nhất ở Cần Thơ với 1,44 con/phụ nữ, tiếp đến là Hậu Giang với 1,52, Bạc Liêu 1,53, Cà Mau 1,55 con/phụ nữ.

“Nếu mức sinh giảm thấp kéo dài sẽ tác động sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước” - ông Dũng nhấn mạnh.

VT_Dũng.jpg
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế

Theo Cục Dân số, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số và là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Khi mức sinh giảm, tuổi thọ trung bình tăng dẫn đến tỷ trọng cũng như số lượng người cao tuổi tăng. Điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi: lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.

Vì thế, Bộ Y tế đang nghiên cứu các các giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế.

Cần có chính sách đột phá để nâng mức sinh

Tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: Việt Nam cần đột phá về chính sách kinh tế - xã hội và chính sách dân số để tránh mức sinh tiếp tục giảm sâu. Hiện, Việt Nam vẫn còn kịp để nâng mức sinh, khi đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con.

Theo ông Nhân, cần có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi; cần chuyển chính sách quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người, tức là 2 vợ chồng đi làm phải đủ nuôi được 2 con.

NTN45.jpg
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Bên cạnh đó, thời gian làm việc của người lao động không quá dài mà nên 8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần, để còn dành thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình vv…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp, do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này” - Thứ trưởng Tuyên bày tỏ.

Ông Tuyên cũng yêu cầu Cục Dân số tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo làm cơ sở, để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi trong thời gian tới, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trong xây dựng dự thảo Luật Dân số và Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số.

VT_ TT Tuyen.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam; quan điểm và chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước, từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách để duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam: Phát triển bền vững về dân số của Việt Nam 2023-2050: Nguy cơ, thời cơ và giải pháp đồng bộ; Tổng quan các chính sách can thiệp về mức sinh thấp trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam; Chính sách sinh sản: Các ví dụ và thực hành tốt từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác; Quan điểm, chính sách thực thi trong ứng phó với mức sinh thấp tại Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản; Dự phòng và điều trị vô sinh để đảm bảo quyền sinh con của phụ nữ: Từ chính sách đến cuộc sống…

Một số giải pháp ứng phó với mức sinh thấp được Bộ Y tế đưa ra:

Đẩy mạnh truyền thông vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già.

Vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

Cần bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.

Xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản…