Ở Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện Châm cứu TW, nơi có gần 100 trẻ tự kỷ đang điều trị, các thầy thuốc luôn chân luôn tay, không có lúc nào nghỉ ngơi. Bệnh nhân ở đây không dễ nghe lời như các đứa trẻ bình thường. Tiếng khóc, tiếng la hét, nô đùa của trẻ inh ỏi khắp các phòng bệnh.
Nhận ra tôi, chị N. (mẹ một bệnh nhi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vui mừng thông báo rằng con của chị đã tiến triển khả quan chỉ sau 3 tháng điều trị.
Vài tháng trước, chị nhắn cho tôi kể rằng con bị tự kỷ. Ba năm qua, cháu đã điều trị tây y và nhờ nhiều thầy lang cho thuốc nhưng không cải thiện, nên muốn điều trị đông y. Hôm đó, tôi mách chị tìm gặp bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - Trưởng Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ Bệnh viện Châm cứu TW.
Chị N. cho biết cháu vào điều trị ở đây từ tháng 5/2024. Mỗi liệu trình 20 ngày, đến nay được 4 liệu trình và cháu có nhiều thay đổi.
Trước đây, 0h đêm cháu mới ngủ, nhưng 2h sáng lại dậy rồi thức đến sáng. Còn nay, cháu ngủ một giấc trọn vẹn. Đặc biệt, bé đã biết khi có người gọi tên.
“Điều phấn khởi nhất là cháu đã nhận thức được, biết nhặt rác, tự tìm được đúng nhà, mẹ bảo nằm ngủ là biết nằm, còn biết giao tiếp bằng mắt. Tôi vô cùng xúc động khi cháu đã biết ôm và thơm mẹ…” - chị N. kể, không giấu được nụ cười trong ánh mắt.
Bệnh nhi này chỉ là một trong nhiều trẻ tự kỷ đã tiến triển sau thời gian điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền phối hợp: Châm cứu, thuỷ châm (đưa thuốc thẳng vào huyệt), xoa bóp bấm huyệt, dạy ngôn ngữ… ở Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ.
Ở một phòng bệnh bên cạnh, bé gái M. (5 tuổi, ở Thuỵ Văn, Thái Thụy, Thái Bình) chuẩn bị ra viện sau khi kết thúc một liệu trình. Nhìn cháu nói chuyện với bố qua video call, bà Nguyễn Thị H. (bà ngoại của M.) cười mãn nguyện.
Bé M. được phát hiện bị tự kỷ khi hơn 2 tuổi. Gia đình cho cháu đi can thiệp giáo dục ở Thái Bình nhưng không cải thiện. Tháng 3/2024, gia đình bà đưa cháu đến Bệnh viện Châm cứu TW với tâm thế “còn nước còn tát”, chứ không dám hy vọng. Nhưng sau liệu trình thứ 2, tình hình của cháu có cải thiện. Đến nay, sau 4 liệu trình, M. đã tiến bộ nhiều.
Bà H. kể trước đây, bé M. luôn tăng động, không phân biệt được đâu là đường đi, đâu là ruộng. Cháu chỉ biết nói 1-2 từ, không có phản ứng khi được gọi tên. Nhưng giờ, cháu ít bị tăng động, khi ra đường đã biết tránh chướng ngại vật, đặc biệt đã biết nói, biết xin khi được cho đồ ăn và còn biết ngồi học.
Ở cùng phòng, bé K. (4 tuổi, ở Thái Bình) cũng đang có những thay đổi đáng mừng. Chị Lê Thị N. (mẹ cháu K.) chia sẻ: Khi bé 2 tuổi, gia đình nhận thấy bé có các biểu hiện điển hình của tự kỷ, như gọi không quay lại, đi kiễng chân, vệ sinh không tự chủ nên đưa cháu đi điều trị can thiệp ở quê. Sau một thời gian dài không đỡ, khi được giới thiệu, gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Châm cứu TW.
“Tôi từng tuyệt vọng khi con điều trị can thiệp suốt 2 năm không tiến triển, qua mất “thời gian vàng” điều trị, nên càng lo lắng. Làm mẹ đã vất vả, nhưng có một đứa con tự kỷ thì càng vất vả hơn. Vì thế, tôi mừng đến phát khóc khi thấy đến liệu trình thứ 4, con biết đi vệ sinh, biết vứt rác vào thùng, gọi hỏi thì đáp, không còn đi kiễng chân, ngủ ngon giấc” - chị N. xúc động.
Chị Vũ Thị Ng. (mẹ của bé Đ.A., 5 tuổi, ở TP Nam Định) cũng chia sẻ niềm hạnh phúc về những tiến triển của con.
Bé A. là con một, khi cháu 3 tuổi, gia đình mới phát hiện bé bị tự kỷ vì gọi không có phản ứng ,đi kiễng chân, thường quay vòng tròn. Gia đình đưa bé đi học can thiệp ở TP Nam Định nhưng không cải thiện.
Nghe tin Bệnh viện Châm cứu TW điều trị tự kỷ cho nhiều bệnh nhân hiệu quả, chị Ng. đưa con đến. Lúc bắt đầu điều trị, cháu không biết nói, cũng không biết đi vệ sin, Sau 6 liệu trình, nay khi cần gì, cháu đã chủ động nói và còn hay nói theo, biết tự đi vệ sinh và phản ứng khi được gọi tên.
Anh T.N. (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cũng vui vẻ chia sẻ niềm vui khi sau 8 tháng điều trị, con trai anh là T.L. đã nói tốt. Người đàn ông này vô cùng bất ngờ vì khi bé 3 tuổi, gia đình mới phát hiện cháu bị chậm nói, chậm phát triển trí tuệ. Đến năm lên 7 tuổi, cháu mới được đưa đến Bệnh viện Châm cứu TW. Nhưng các bác sĩ đã kiên trì điều trị phối hợp các phương pháp và nay, điều kỳ diệu đã đến với gia đình anh.
Đáng chú ý, ngoài các bệnh nhân người Việt Nam, Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ còn đồng hành cùng những bệnh nhi từ Bỉ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Ukraina…
Chị L.A.G. - một phụ nữ gốc Quảng Ninh - cho hay con trai chị sinh ra và mang quốc tịch Bỉ. Năm 2 tuổi, cháu được phát hiện bệnh tự kỷ từ các dấu hiệu: chậm nói , không giao tiếp bằng mắt,chỉ chơi một mình, đi kiễng chân, tăng động. Gia đình đã cho bé đi khám, điều trị và can thiệp giáo dục đặc biệt tại Bỉ nhưng hiệu quả không như mong muốn. Một bác sĩ Bỉ khuyên gia đình đưa con về châu Á để áp dụng phương pháp châm cứu.
“Nếu bác sĩ không nói, tôi cũng không biết phương pháp điều trị tự kỷ bằng đông y. Theo lời khuyên của bác sĩ, mẹ con tôi đến Bệnh viện Châm cứu TW. Sau hơn một năm điều trị, nay chân tay của con đã cử động tốt. Gia đình rất vui vì tình trạng sức khoẻ của con đang tiến triển” - mẹ cháu bé tâm sự.
Ở Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ, bé G.H. (ở Cầu Diễn, Hà Nội) được đánh giá là bệnh nhân có sự tiến triển nhanh nhất. Mẹ cháu, chị Nguyễn Thu H., cho biết: Do lớn tuổi mới sinh con nên chị bị tai biến sản khoa, khiến cháu H. sinh ra bị giãn não thất, tổn thương chất trắng, liệt cơ co cứng người, nhai nuốt khó, không bú được, phải bón bằng thìa. Cháu cũng không biết lật lẫy, không ngồi, không biết đi, không biết nói.
Tháng 1/2023, chị đưa con đến Bệnh viện Châm cứu TW điều trị. Hằng ngày, cháu được châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, thuỷ châm, chiếu đèn, dạy nói, dạy học. Sau hơn một năm, điều kỳ diệu đã đến khi cháu đã đi được, gọi có phản ứng và biết nói. Cô giáo cho biết trong các buổi học can thiệp, cháu cũng tiến bộ nhiều.
Một trường hợp khác là T.A.T. (4 tuổi, ở TP Thái Nguyên) sinh non, chỉ nặng 0,9 kg, phải bế nhiều nên cháu yếu về vận động, chân cháu bị co cứng, không nói được. Gia đình đưa bé đi chữa trị khắp nơi, hết châm cứu hơi ngải, rồi đi Hà Giang mua lá thuốc về tắm, rồi phục hồi chức năng, chữa tây y ở các bệnh viện. Sau 2 năm không tiến triển, khi có người mách, mẹ bé T. đã đưa con về Bệnh viện Châm cứu TW.
Ôm con trong lòng, người mẹ nở nụ cười tươi rói: Cháu đã điều trị được 5 liệu trình, đến nay đã duỗi được tay và đang tập đi. Cháu linh hoạt và nhanh nhẹn hơn trước.
(Còn nữa)