Thủ tướng mong muốn:

14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc nhanh chóng triển khai khám chữa bệnh trực tuyến

VietTimes -- "Nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, một hình thức rất cần thiết đối với đất nước có chiều dài hơn 3.000 km, nhiều núi non như nước ta" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời, mong muốn 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ triển khai thành công nền tảng vừa được khai trương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự sự kiện ra mắt nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại trụ sở Bộ TT&TT. Ảnh Thống Nhất/TTXVN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự sự kiện ra mắt nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại trụ sở Bộ TT&TT. Ảnh Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh (KCB) từ xa do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế tổ chức sáng nay (18/4).

Dấu mốc khởi đầu chuyển đổi số của ngành y tế

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nền tảng KCB từ xa và nhấn mạnh đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế, hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành TT-TT, ngành y tế đã chủ động cùng nhau phối hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Thủ tướng đánh giá chưa bao giờ có nhiều tin nhắn ủng hộ vào quỹ của nhà nước để mua sắm thiết bị y tế, ngăn chặn dịch COVID-19 như hiện nay. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có các y bác sĩ, các chuyên gia công nghệ tích cực tham gia trong phòng, chống dịch .

“Nhân đây tôi xin chào những chiến sĩ áo trắng dũng cảm, kiên cường, đi đầu trong phòng chống đại dịch của COVID-19 ở nước ta (...). Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn KCB, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh", Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ khai mạc nền tảng khám, chữa bệnh từ xa
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ khai mạc nền tảng khám, chữa bệnh từ xa

Chứng kiến nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, Thủ tướng nhấn mạnh: "Những gì chúng ta chứng kiến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy lợi ích rõ ràng của hoạt động KCB từ xa. Người bệnh vẫn được khám bệnh, nhưng chỉ phải tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi".

Thủ tướng cũng cho rằng, điều đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã rất chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh và đã cho ra mắt hàng chục ứng dụng phục vụ người dân.

Những ca hội chẩn đầu tiên kết nối các bệnh viện cách nhau hàng trăm kilomet

Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa để kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai, hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám. Bệnh viện Đại học Y cũng kết nối trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp. Các bác sĩ Đại học Y cũng đã khám bệnh trực tuyến cho một bệnh nhân ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, gồm cả nội soi tai mũi họng, điện tim trực tuyến.   

14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc nhanh chóng triển khai khám chữa bệnh trực tuyến ảnh 2

Cuộc hội chẩn của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vàBệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai với kết nối của hệ thống KCB từ xa. Ảnh: TH.

Đối với bệnh nhân bị bệnh ở tim đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Mường Khương, bệnh nhân đã được Giáo sư Nguyễn Lân Việt trực tiếp xem hình ảnh siêu âm thông qua hình ảnh truyền hình trực tuyến và cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa huyện Mường Khương hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị.

Cũng tại sự kiện, các bác sỹ Đại học Y Hà Nội đã tư vấn rất kỹ lưỡng cho bệnh nhân thông qua phần mềm được cài trên điện thoại. Bác sĩ và bệnh nhân hoàn toàn có thể nhìn thấy nhau.

Chứng kiến hệ thống hoạt động trơn tru và sự kết hợp nhịp nhàng của các bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB; phát triển triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế như nền tảng tư vấn KCB từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT-TT và Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trước ngày 20/4 để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực của đất nước. 

Thủ tướng đề nghị Bộ TT-TT hiệu triệu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đưa ra nhiều ứng dụng và nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phục vụ nhân dân. 

Nhân sự kiện này, Thủ tướng đề nghị Viettel khi triển khai Nền tảng KCB trực tuyến này thì cần đào tạo, đảm bảo hệ thống chạy ổn định trên toàn quốc, phần mềm luôn được cập nhật để đáp ứng thực tiễn. Bkav cần tiếp thu các ý kiến của cộng đồng người dùng ứng dụng Bluezone để hoàn thiện hơn nữa và phát huy hiệu quả. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai mạnh mẽ nền tảng KCB từ xa, liên tục rút kinh nghiệm, là cơ sở để Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hoạt động này. Điều quan trọng là phải có bác sĩ chuyên môn cao về y khoa nhưng cũng phải am hiểu công nghệ thông tin. 

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng COVID-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể. Việc giảm tải cho các bệnh viện sẽ giúp huy động nguồn lực khám chữa cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt dự phòng chuẩn bị cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Việc tập trung đông người bệnh ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, luôn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Đặc biệt, những người già, các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong rất cao, cần ở nhà, tránh nơi tiếp xúc đông người. Nếu có nền tảng tư vấn KCB từ xa họ có thể không phải đến bệnh viện khi không thật cần thiết.