Khai báo ho, sốt qua Bluezone và tokhaiyte.vn giúp phát hiện ca nhiễm Covid-19 hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Lã Thị Lan, một kênh thông tin rất hiệu quả để phát hiện ca bệnh Covid-19 là việc khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử (tokhaiyte.vn).

Kênh thông tin hiệu quả hỗ trợ phát hiện ca mắc Covid-19

Các chuyên gia đánh giá, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp rất kịp thời, đúng, trúng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ đó đạt được thành công là không để dịch bùng phát trên địa bàn trong thời gian qua, giữ vững được thành trì Thủ đô.

Nhận định kênh thông tin rất hiệu quả để Hà Nội phát hiện ca bệnh là việc khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, thực tế thời gian qua, từ tổng hợp của Sở TT&TT hàng ngày, các trường hợp khai báo ho, sốt đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện nhiều ca F0.

“Do đó, người dân hãy tích cực khai báo y tế, đặc biệt là khi có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, sàng lọc kịp thời” , Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan kêu gọi.

Tính đến 17h ngày 15/8, cả nước đã có 43,10 lượt tải ứng dụng Bluezone.
Tính đến 17h ngày 15/8, cả nước đã có 43,10 lượt tải ứng dụng Bluezone.

Ngay trước đó, Sở TT&TT Hà Nội đã cho biết, trong báo cáo của Sở Y tế Hà Nội ngày 16/8, qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt được người dân phản ánh qua các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch như Bluezone, tokhaiyte.vn, thành phố đã ghi nhận 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Từ các ca F0 này, cơ quan y tế đã mở rộng rà soát, tiếp tục xét nghiệm những trường hợp liên quan và phát hiện thêm 691 ca mắc tại cộng đồng. Tổng số ca F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm khoảng 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố trong đợt dịch thứ tư.

Không chỉ tại Hà Nội, việc ứng dụng khai báo y tế điện tử, quét QR để kiểm soát người ra vào các bệnh viện, cơ quan, công sở, địa điểm công cộng… cũng đã giúp nhiều địa phương, tiêu biểu như Hải Dương, Bắc Giang nhanh chóng phát hiện các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19, từ đó kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Các cơ quan, đơn vị phải kiểm soát vào ra bằng quét mã QR

Trong “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị” mới ban hành, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch để quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định tại Quyết định 2666 ngày 29/5 của Bộ này.

Trường hợp người ra vào không thể quét mã QR, đơn vị bố trí nhân viên kiểm soát có smartphone cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone/NCOVI) để thực hiện quét mã QR trên thẻ bảo hiểm y tế/bản sao thẻ bảo hiểm y tế/thẻ căn cước công dân của của người ra vào hoặc mã QR được sinh ra bởi hệ thống phần mềm.

Tại khu vực cửa vào của đơn vị, Bộ Y tế hướng dẫn, cần tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, khách đến làm việc phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách giữa các khách theo quy định; kiểm soát và quản lý thẻ khách vào đơn vị; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đơn vị đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code là 1 trong 3 nền tảng phòng chống dịch được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chọn triển khai thống nhất toàn quốc.
Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code là 1 trong 3 nền tảng phòng chống dịch được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chọn triển khai thống nhất toàn quốc.

Trường hợp có nhiều đơn vị khác nhau trong cùng tòa nhà làm việc, người đứng đầu đơn vị hoặc Trưởng Ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, ki-ốt, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát có smartphone để quản lý người ra vào tại các vị trí ra, vào các tòa nhà.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ...), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.Khuyến khích giảm số người làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

Trước đó, trên cơ sở nhận thức rõ ứng dụng công nghệ là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng thần tốc việc phát hiện các ca nhiễm và nghi nhiễm dịch, vào cuối tháng 5, Bộ Y tế đã có hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm: Ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn, các ứng dụng Bluezone và NCOVI.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng đã đề nghị người dân có smartphone cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth. Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Cùng với đó, người dân cũng cần dùng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về những thông tin mình khai báo. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân có thể dùng điện thoại quét mã QR tại điểm đó.

Theo ICTNews