Những cuộc giao tranh gần đây giữa Israel và Iran tại Syria đã làm dấy lên câu hỏi quan trọng về "luật chơi", lợi ích và lằn ranh đỏ của những "tay chơi" chính trong khu vực.
Israel tuyên bố sẽ không có sự dàn xếp cho phép quân Iran và Hezbollah ở lên trên đất Syria, bao gồm cả những dân quân người Shi'a. Israel cũng nhấn mạnh Syria không thể biến thành một điểm trung chuyển cho các vũ khí hiện đại có thể thay đổi cuộc chơi - đặc biệt là những loại vũ khí có điều khiển chính xác - tới cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Những đe dọa khủng bố ở biên giới Israel không thể được dung thứ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có mặt trong lễ kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít của Nga. Sau cuộc, gặp giữa ông và ông Putin, tình hình Trung Đông đã có những bước thay đổi.
|
Tất nhiên, Israel nhận thức rõ tầm quan trọng của Nga trong cuộc chơi tại Syria, và ảnh hưởng lớn của Moscow tới chế độ của tổng thống Bashar al-Assad.
Vì thế, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đầu tư thời gian và nỗ lực to lớn, để thuyết phục tổng thống Nga Vladimir Putin, các cố vấn của ông, rằng việc Iran tôn trọng lằn ranh đỏ của Israel cũng nằm trong lợi ích quốc gia của Nga.
Sau những cuộc gặp gần đây nhất giữa Nga và Israel (cấp quân sự, điều hành và thực thi), những tuyên bố của Nga cho thấy nỗ lực của Israel đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Nga bắt đầu hiểu rằng sự hiện diện của Iran tại Syria là một khó khăn trở ngại - đặc biệt nếu Israel tiếp tục giữ "lằn ranh đỏ" của họ - bao gồm các cuộc tấn công vào những cơ sở của Iran ngay trong "trái tim" phạm vi ảnh hưởng quan trọng của Nga.
Sau nhiều năm nội chiến đẫm máu, tình thế tại Syria giống như món ốp-la không thể quay lại hình thù của quả trứng. Ông Assad có thể vẫn nghĩ đất nước của ông có thể quay về hiện trạng trước khi xảy ra cuộc chiến. Vì thế, ông đã có những hành động rất mạnh tay trên toàn đất nước. Cho đến nay, gần như ông đã lại có thể làm bất cứ những gì ông muốn tại Syria.
Chế độ của tổng thống Bashar al-Assad tại Syria đã nhận được nhiều hỗ trợ quân sự và ngoại giao từ Nga và Syria.
|
Quyết định của Iran triển khai quân đội và các lực lượng ủy nhiệm tại Syria cũng bắt nguồn từ việc họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cộng đồng quốc tế. Quyết định này cũng bắt nguồn từ việc năm 2015, Iran đã ký được thỏa thuận hạt nhân với quốc tế - được biết tới với cái tên Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA.
Thỏa thuận này được lập ra sau khi các nước không thể ngăn được Iran phát triển chương trình hạt nhân, biến Iran từ vấn đề khó giải quyết thành một giải pháp các bên có thể chấp nhận được. JCPOA đã giúp Iran tham gia liên minh toàn cầu chống IS, và cho Iran tiền đề xây dựng một căn cứ quân sự lớn tại Syria để chống khủng bố.
Chứng kiến quốc tế không can thiệp vào các hành vi của Iran, và vì nằm trong "trục kháng cự" cùng với đồng minh Iran, ông Assad được bật đèn xanh để tổ chức các chiến dịch chống khủng bố.
Cho tới khi tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ngày 8/5, cùng với tuyên bố của Nga về tương lai của những lực lượng nước ngoài tại Syria, đã khiến cho ông Assad có những thay đổi chiến lược. Quan chức trong chế độ của ông Assad đã kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời Syria, vì cuộc chiến chống lại IS đã gần như kết thúc.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có những tuyên bố cứng rắn về Iran.
|
Một đảm bảo cho sự thay đổi trên, là chính sách của Mỹ tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Iran và các đội quân ủy nhiệm của Tehran, các hoạt động của họ quanh Trung Đông sẽ không được dung thứ. Nhưng một chính sách đặc biệt hơn sẽ khiến Iran sẽ phải để ý tới những yêu cầu của ông Trump.
Châu Âu cũng có thể trợ giúp trong vấn đề này, vì thế ông Netanyahu gần đây đã có chuyến thăm 3 nước E3 (Pháp-Đức-Anh). Tuy nhiên, một vài nước châu Âu vẫn chống lại ông Trump (và Israel một cách không trực tiếp) vì quyết định rút khỏi JCPOA của ông. Do đó việc giúp đỡ của các nước châu Âu sẽ thêm phần khó khăn.
Chính sách hiện tại của châu Âu là giữ lại thỏa thuận hạt nhân với Iran và cải thiện nó, qua việc tăng thêm các giới hạn (hiện tại các công ty châu Âu đang phải hủy bỏ việc làm ăn với Iran). Một thỏa thuận được nâng cao có thể sẽ gây áp lực với Iran và đội quân ủy nhiệm của họ. Nhưng những nỗ lực này có thể khiến cho Mỹ và châu Âu tranh cãi về tình trạng cuối cùng của thỏa thuận hạt nhân với Iran, và tác động của nó với khu vực.
Từ quan điểm của Israel, nước này nhắm vào việc đảm bảo rằng Iran và tất cả các "tay chơi" khác trong khu vực sẽ từ bỏ sự hiện diện thường trực tại Syria. Vì thế, có thể những tin đồn xuất hiện gần đây là sự thật: về việc Israel và Nga đã đồng ý với nhau, rằng sẽ đưa lực lượng Iran ra xa khỏi biên giới phía bắc của Israel.
Đổi lại, Tel Aviv sẽ đồng ý cho lực lượng của ông Assad quay lại biên giới. Yêu cầu không thay đổi và không thể đàm phán của Israel là lực lượng của Iran phải hoàn toàn rời khỏi Syria.