Theo phân tích thị trường mà hãng HIS Markit mới công bố, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng 34,8%, từ mức tăng chỉ 5,8% trong cả năm 2018. Trong khi đó, lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái (từ tháng 1 tới tháng 9/2018).
Các hàng rào thuế quan chính là nguyên nhân lớn khiến Mỹ ít nhập hàng hóa từ Trung Quốc hơn – theo Michael Ryan, chuyên gia phân tích dịch vụ công nghiệp của HIS Markit nhận định. Vị chuyên gia thêm rằng, các danh mục hàng hóa xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam sang thị trường Mỹ bao gồm máy tính, thiết bị điện thoại và các loại máy móc.
Các sản phẩm này nằm trong danh mục mà Mỹ nhập nhiều nhất từ Trung Quốc đại lục, Mông Cổ và Đài Loan trong năm 2018 – theo Đại diện Thương mại Mỹ. Điều này cho thấy các mặt hàng tương tự mà Việt Nam xuất sang Mỹ đã thay thế lượng hàng mà Trung Quốc cung cấp cho Mỹ trước kia.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với một số thách thức. Theo ông Ryan, trước hết Mỹ không đầu tư mạnh tay vào Việt Nam, chỉ ra rằng các khoản đầu tư của Mỹ tại Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được. Điều này là do Mỹ không có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung – theo báo cáo của HIS Markit.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là “một trong số nhiều nhân tố ảnh hưởng tới nhịp độ và quy mô của đa dạng hóa chuỗi cung ứng” vào Việt Nam; theo ông Ryan. Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng, bởi vậy chưa thể đáp ứng được làn sóng chuyển dịch khi các công ty đa quốc gia tìm cách đặt chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc.
“Nói đơn giản là nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng” – ông Ryan nhận định, thêm rằng cơ sở hạ tầng ở việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn mà nhiều công ty quốc tế đặt ra.
Theo CNBC