Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký tháng 12/2003, các hoạt động xúc tiến khai thác đường bay này đã được triển khai. Song tại thời điểm đó, chênh lệch năng lực hàng không giữa Mỹ và Việt Nam là quá lớn nên các hoạt động khai thác đường bay này gặp nhiều khó khăn. Một số hãng bay Mỹ đã thử sức với đường bay này nhưng kết quả không được như mong đợi.
Năm 2007, hãng hàng không United Airlines đã mở đường bay đến Tp. HCM. Nhưng sau 5 năm, hãng đã chấm dứt khai thác đường bay này. Tương tự, hãng bay Delta Airlines cũng mở đường bay tới Tp. HCM và sau đó cũng phải đóng đường bay nay.
Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước cũng lên kế hoạch khai thác đường bay này từ nhiều năm nay. Vietnam Airlines ngay từ năm 2008 đã chính thức nghiên cứu đường bay này. Vietjet Air cũng đưa đường bay thẳng Mỹ vào kế hoạch phát triển, tuy nhiên, chưa có máy bay thân rộng để thiết lập đường bay.
Một số nghiên cứu cho thấy, đường bay Việt Nam - Hoa Kỳ đòi hỏi chi phí lớn, yếu tố pháp lý đòi hỏi rất phức tạp trong khi yêu cầu phục vụ lại cao, lợi nhuận thấp. Về mặt kỹ thuật, việc bay thẳng tới Mỹ đòi hỏi các hãng hàng không phải có những tàu bay hiện đại như Boeing 787 - 9 hay Airbus A350 hiện đại thân rộng, có khả năng bay chặng đường dài hơn 13 giờ bay liên tục.
Các diễn giả tham gia tham luận tại buổi Tọa đàm (Ảnh: VT)
|
Ghi nhận những nỗ lực của ngành hàng không trong thời gian qua, ông Võ Huy Cường cho biết giữa Việt Nam và Mỹ đã không còn vướng mắc về mặt pháp lý về việc mở đường bay.
Đặc biệt, tháng 2/2019 vừa qua, Việt Nam đã chính thức nhận chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Việc phê chuẩn CAT1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên doanh giữa các hãng hàng không.
“Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho bất kỳ hãng hàng không nào của Việt Nam cũng có cơ hội “nộp đơn” để mở đường bay thẳng tới Mỹ. Giấy chứng nhận này còn chứng tỏ năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam” - ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, về phương tiện, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã chuẩn bị một số tàu bay đảm bảo năng lực vận chuyển hành khách đường dài, mở đường bay thẳng (non - stop) đến Mỹ.
“Để được cấp giấy chứng nhận của Mỹ, các hãng hàng không còn phải nhận được Giấy phép khai thác thương mại và Giấy phép khai thác kỹ thuật cùng một số quy định khác. Các hoạt động này cần ít nhất từ 1 - 1,5 năm, chưa kể thời gian chuẩn bị của các hãng hàng không Việt Nam trước đó” - ông Cường chia sẻ thêm.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - ông Trương Phương Thành - bày tỏ tham vọng “Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ”.
Hãng đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay đầy thách thức này, như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, cũng như các điều kiện pháp lý./.