Những thỏa thuận tỷ đô Việt - Mỹ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

VietTimes -- Sau buổi hội đàm sáng 27/2 giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác trị giá hàng chục tỷ USD giữa các doanh nghiệp hai bên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác trị giá nhiều tỷ USD giữa các doanh nghiệp (Ảnh: VGP)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác trị giá nhiều tỷ USD giữa các doanh nghiệp (Ảnh: VGP)

Đáng chú ý, các hãng hàng không Việt Nam đã ký những hợp đồng đăng ký mua tới 110 máy bay của Tập đoàn Boeing (Mỹ).

Cụ thể, hãng hàng không Vietjet (Mã CK: VJC) đã ký kết hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 Max với giá trị thương vụ lên tới 12,7 tỷ USD (bao gồm 80 máy bay 737 MAX 10 và 20 máy bay 737 MAX 8) đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD.

Tương tự, hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, dòng máy bay thân rộng, trị giá gần 3 tỷ USD. Cũng trong sáng 27/2, Bamboo Airways và Boeing cũng có sự thống nhất về việc nghiên cứu mở rộng các hợp đồng mua hàng trong tương lai gần.

Dù không đăng ký mua máy bay mới trong dịp này, hãng hàng không Vietnam Airlines (Mã CK: HVN) cũng đã ký hợp đồng mở rộng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ thông tin hàng không với Tập đoàn Sabre. Giá trị hợp đồng là 300 triệu USD.

Các hợp đồng ký kết được ông Donald Trump tỏ ý khen ngợi, cho thấy thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện trong thời gian tới.

Trước đó, chiều ngày 26/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhất trí về việc hai bên sẽ tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ song phương.

Thực tế cho thấy, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Mỹ đã liên tục có những tiến triển.

Sau 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%.

Trong tháng 1/2019, thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1%, tương đương con số tuyệt đối 1,527 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Với con số này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã gấp tới 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước.

Đáng lưu ý, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ, với giá trị đạt 1,591 tỷ USD, tăng trưởng 34,1%. Ngoài dệt may, các nhóm hàng chủ lực khác là giày dép 620 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD; gỗ và sản phẩm gần 475 triệu USD, tăng 156 triệu USD; điện thoại đạt gần 473 triệu USD, tăng tới 121%, tương đương con số tăng thêm 259 triệu USD.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù mới sau 1 tháng đầu năm 2019 nhưng Mỹ đã chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Cũng trong tháng 1, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường Mỹ đạt 1,076 tỷ USD đã đưa con số xuất siêu của Việt Nam chạm ngưỡng hơn 4 tỷ USD đối với đối tác hàng đầu này.

Theo nhận định từ các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt – Mỹ trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ có những thay đổi quan trọng. Thậm chí, Mỹ có thể sẽ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam sau thời điểm 1/7/2019. Quan hệ thương mại giữa hai nước cũng sẽ được đặt trên những nền tảng pháp lý quan trọng là hàng loạt cam kết quốc tế./.