HSG và GMD thoái hết vốn: Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept về tay người Hàn?

VietTimes -- Sau nhiều đồn đoán của thị trường, cuối cùng thông tin Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept “đổi chủ” cũng đã được xác tín.
Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept là dự án hợp tác giữa HSG và GMD. (Ảnh: GMD)
Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept là dự án hợp tác giữa HSG và GMD. (Ảnh: GMD)

Hai cổ đông sáng lập và chi phối CTCP Tiếp vận và Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept – chủ sở hữu dự án Cảng này, là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) và CTCP Gemadept (HoSE: GMD), đều đã chính thức thông báo về việc thoái vốn.

Theo đó, ngày 17/08/2017, HĐQT HSG đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ/HĐQT/2017 về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept.

Trước khi thực hiện giao dịch, tỷ lệ góp vốn của HSG tại đây là 45%. Còn tỷ lệ góp vốn sau khi thực hiện giao dịch là 0%.

Chưa rõ đâu là đối tác đã mua lại phần vốn góp trên của HSG và mua với giá bao nhiêu. Chỉ biết, tên báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 đã soát xét của HSG, giá trị phần vốn góp vào Cảng Hoa Sen Gemadept là hơn 20,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 15/08, một cổ đông lớn còn lại của Cảng Hoa Sen Gemadept, là GMD, cũng đăng đàn cho biết, đã thoái toàn bộ 51% vốn Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Việc thoái vốn này nằm trong kế hoạch thoái vốn đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2017.

Nhiều thông tin trên thị trường cho hay, HSG và GMD đã thu về khoản lợi lớn từ thương vụ. Nhưng trên báo cáo tài chính quý II/2017 của cả HSG và GMD, doanh thu và lợi nhuận từ việc bán cổ phần này vẫn chưa được ghi nhận.

CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept được thành lập từ năm 2006, có người đại diện theo pháp luật là ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HSG. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khai tác cầu cảng, cung ứng tàu biển; dịch vụ đại lý tàu biển; dịch vụ đại lý vận tải đường biển; môi giới hàng hải; kiểm đếm hàng hóa; lai dắt tàu biển; vệ sinh tàu biển…

Công ty này là pháp nhân sở hữu dự án Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen, có tổng diện tích 55 ha, với chiều dài bến là 300m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 70.000DWT, công suất 250.000T + 350.000 teus/năm. Cảng được giới thiệu là nằm trong khu vực quy hoạch cảng nước sâu, sát cửa biển và gần các khu công nghiệp lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Được biết, ĐHCĐ thường niên năm 2017 của Gemadept đã nhắc tới việc thoái vốn tại công ty con này. Lãnh đạo của Gemadept đã cho biết công ty đã ký biên bản ghi nhớ với một đối tác Hàn Quốc để bán toàn bộ cổ phần tại cảng này cho đối tác. Đồng thời tiết lộ, đối tác mua lại sẽ chuyển đổi công năng cảng thành cảng tiếp nhận tàu LPG.

Vị lãnh đạo này cho hay, Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept ở gần Tân Cảng Cái Mép, cảng này quá nhỏ cho tàu ra vào nên hiệu quả thấp (cảng này chưa xây và đang là đất trống, đối tác sẽ dùng làm cảng cho sản phẩm khí đốt hóa lỏng)./.