VPF lấy ý kiến các đội bóng về việc tổ chức thi đấu phần còn lại của V.League 2020

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh: Chú lính chì dũng cảm

VietTimes -- Khá thú vị là trong phương án tổ chức thi đấu phần còn lại của mùa giải VPF chia 14 đội V.League thành 3 nhóm sân, thì trong buổi họp trực tuyến mới đây, cũng có 3 nhóm ý kiến. Kết quả ban đầu, VPF chưa nhận được quá 50% số phiếu ủng hộ như mong muốn.
Khó có có được một phương án nào thỏa mãn 14/14 CLB,  VPF vẫn có tìm cách đưa ra được giải pháp mà các bên đều chấp nhận. Ảnh VPF.
Khó có có được một phương án nào thỏa mãn 14/14 CLB, VPF vẫn có tìm cách đưa ra được giải pháp mà các bên đều chấp nhận. Ảnh VPF.

Trước hết, phải khẳng định là thời điểm V.League 2020 tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Nhưng VPF vẫn chuẩn bị phương án để có thể tiến hành ngay giải đấu, chấp nhận đá trong tình trạng không có khán giả, khi lệnh cấm tập trung đông người được hủy bỏ.

Cuối năm nay đội tuyển quyết gia vẫn còn 2 mục tiêu rất quan trọng ở Vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020, việc V.League phải được duy trì để ông Park có điều kiện chuẩn bị. Thực tình, khó có có được một phương án nào thỏa mãn 14/14 CLB, nhưng VPF vẫn cố tìm cách đưa ra được giải pháp mà các bên đều chấp nhận.

Phương án VPF

Để tránh phải di chuyển bằng máy bay, hạn chế tiếp xúc và bảo đảm sức khỏe cho cầu thủ, VPF chia thành các CLB 3 nhóm:

Không chỉ VPF gặp khó mà các CLB cũng đang đứng trước khó khăn, việc V.League 2020 bị hoãn chưa biết bao giờ thi đấu trở lại khiến quỹ lương bị đội lên. Ảnh SLFC.
Không chỉ VPF gặp khó mà các CLB cũng đang đứng trước khó khăn, việc V.League 2020 bị hoãn chưa biết bao giờ thi đấu trở lại khiến quỹ lương bị đội lên. Ảnh SLFC.

Nhóm 1 bao gồm các đội sẽ sử dụng sân nhà của mình làm sân nhà: Thanh Hóa (sân Thanh Hóa), Nam Định (Thiên Trường), Hải Phòng (Lạch Tray), Than Quảng Ninh (Cẩm Phả), Hà Nội và Viettel (Hàng Đẫy).

Nhóm 2 bao gồm các CLB sử dụng sân của các CLB nhóm 1 để làm sân nhà  bao gồm SLNA (Thanh Hóa), HAGL (Thiên Trường), Quảng Nam (Lạch Tray), SHB Đà Nẵng (Cẩm Phả).

Và cuối cùng, nhóm 3 sẽ bao gồm các CLB sử dụng sân trung lập làm sân nhà, gồm Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, B.Bình Dương (sân PVF), TP. HCM, Sài Gòn (Mỹ Đình).

Điều dễ thấy phương án này vẫn duy trì tiêu chí sân nhà - sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp để các cầu thủ đảm bảo thể lực, giảm tải lịch thi đấu giai đoạn 2, tránh giải kết thúc muộn. 

Nhưng với mật độ thi đấu dày, ảnh hưởng mặt sân, việc thi đấu không có khán giả vừa mất nguồn thu của CLB, giảm hưng phấn của cầu thủ. Nhất là các đội Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa… lâu nay vẫn có kết quả tốt khi đá sân nhà, có sự cổ vũ của đông đảo khán giả.

CLB TP.HCM là 1 trong 5 đội chưa có ý kiến. Ảnh CLB
CLB TP.HCM là 1 trong 5 đội chưa có ý kiến. Ảnh CLB

Thực ra, không chỉ VPF gặp khó mà các CLB cũng đang đứng trước những bài toán không dễ đưa ra câu trả lời. Việc V.League 2020 bị hoãn chưa biết bao giờ thi đấu trở lại khiến quỹ lương của các CLB bị đội lên. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, các CLB chưa đưa ra phương án giảm lương, nhưng nếu tình trạng kéo dài thì không phải CLB nào cũng đủ tiềm lực tài chính để chờ đợi.

Mới có 6 đội ủng hộ

Không khó để biết CLB HAGL không có mặt dự họp trực tuyến của VPF, 6/14 đội đồng ý đá tập trung theo phương án của VPF gồm: SLNA, Than.QN (chủ nhà 1 sân), Hà Nội (chủ nhà 1 sân), Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Viettel (chủ nhà 1 sân), Thanh Hóa (chủ nhà 1 sân). Nhóm không ủng hộ gồm 3/14 đội gồm: Nam Định (Chủ nhà 1 sân), B.Bình Dương,- Quảng Nam. Nhóm không có ý kiến gồm 5 đội: HAGL (Không dự họp trực tuyến),TP.HCM, Sài Gòn, Hải Phòng (Chủ nhà 1 sân), SHB Đà Nẵng.

Được chơi sân nhà nhưng Nam Định bảo lưu quan điểm đá bóng phải có khán giả bởi nguồn thu chủ yếu của đội bóng này dựa nhiều vào số lượng khán giả đông đảo ở sân Thiên Trường. Với Quảng Nam, quan điểm của đội bóng này vẫn là nên bỏ giải V.League 2020, lùi sang năm 2021 tổ chức lại. Đội bóng phản đối còn lại là Bình Dương khi đưa ra phương án đá theo vùng trước. 4 đội phía Nam gồm cả HAGL, CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn sẽ thi đấu vòng tròn với nhau trước. 

Khá ngạc nhiên khi tân binh Núi Hồng thuộc nhóm đồng ý với phương án của VPF. Là tân binh V.League, trắng tay sau 2 vòng đấu việc phải thi đấu sân PVF (Hưng Yên) với Than Quảng Nam, Hà Nội FC thì thầy trò HLV Minh Đức sẽ gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, việc Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ủng hộ phương án VPF được cho là quyết định dũng cảm, được ghi nhận.

KẾT QUẢ TRƯNG CẦU

1. Ủng hộ (6)
- SLNA
- Than.QN (chủ nhà 1 sân)
- Hà Nội (chủ nhà 1 sân)
- Hồng Lĩnh Hà Tĩnh
- Viettel (chủ nhà 1 sân)
- Thanh Hóa (chủ nhà 1 sân)

2. Không ủng hộ (3)

- Nam Định (Chủ nhà 1 sân)
- B.Bình Dương
- Quảng Nam

3. Không ý kiến (5)
- HAGL (Không dự họp trực tuyến)
- TP.HCM
- Sài Gòn
- Hải Phòng (Chủ nhà 1 sân)
- SHB Đà Nẵng

SLNA ủng hộ VPF, đành lấy sân Thanh Hóa làm sân nhà bởi đội bóng xứ Nghệ không kịp cải thiện điều kiện sân bãi để tổ chức V.League 2020 trên sân Vinh như “tối hậu thư” của ban tổ chức. Không hổ danh là “Khổng Minh xứ Nghệ” trong bối cảnh đó, Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh (sinh 1950) vẫn thòng thêm đề xuất:
V-League đá trong điều kiện như vậy, tôi cho rằng chỉ nên đá xác định 3 đội dẫn đầu để còn tham dự AFC Cup, không có đội rớt hạng. Chúng tôi ủng hộ đá tập trung ở miền bắc để tiết kiệm thời gian, chi phí trong điều kiện quỹ thời gian đã ngắn dần”.

Vẫn còn bỏ ngỏ

Khá bất ngờ khi Hải Phòng, được chọn đá sân nhà Lạch Tray lại không ủng hộ phương án của VPF. Nhất là khi bầu Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng lại đang Phó Chủ tịch HĐQT VPF. Chắc chắn, Hải Phòng sẽ thông báo lý do mà họ không chấp nhận phương án mà VPF đề xuất.

Như vậy, trong 14 phiếu, VPF đã nhận được 6 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Chí ít người ta thấy VPF không ngồi yên trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng nổ, cứ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến các CLB, chúng ta sẽ có được phương án khả dĩ nhất.