Trước đó, ngày 14/01/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM (PC46) đã ban hành Kết luận điều tra vụ án “Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu cùng đồng bọn can tội: “Buôn lậu”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại CTCP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn.
Ngày 15/4/2016, Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM đã ban hành Cáo trạng số 171/VKS-P3, trong đó đề nghị truy tố 28 công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang ra trước Tòa án nhân dân TP. HCM để xét xử với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 281 Bộ Luật hình sự, có khung hình phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
Ngày 09/05/2016, Tòa án nhân dân TP. HCM đã có Quyết định số 2945/2016/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 08/6/2016.
Tuy nhiên, trong văn bản kiến nghị của mình, căn cứ nội dung bản Kết luận điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM và bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM, Cục Hải quan tỉnh An Giang nhận thấy có những yếu tố, tình tiết của vụ án cần được xem xét một cách công bằng, khách quan để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với số cán bộ công chức bị đưa ra xét xử.
Thứ nhất về việc phát hiện, điều tra, khởi tố vụ án ban đầu: Đây là vụ án do chính ngành Hải quan chủ động phát hiện và ngăn chặn.
Cụ thể là do Cục Điều tra Chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan lập phương án trực tiếp điều tra phát hiện bắt giữ, lập hồ sơ ban đầu, khởi tố điều tra vụ án và sau đó mới chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM để điều tra theo đúng quy định.
Thứ hai, thiệt hai cụ thể chưa xảy ra, khi mà số tiền thuế GTGT của 92 tờ khai xuất khẩu thuốc lá chưa được hoàn – theo công văn trả lời xác minh số 3175/CT-KT3 của Cục Thuế TP. HCM.
Trong khi, xét hành vi khách quan của cấu thành tội phạm thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ của người có chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ của người có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ ba, về việc chấp hành các quy định, quy trình thủ tục của ngành Hải quan trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của công chức hải quan liên quan trong vụ án.
Dẫn chiếu một số quy định của ngành mình về áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm ra hải quan, Cục Hải quan An Giang nhận định: “Có thể nói, công tác kiểm tra hải quan theo phương thức quản lý rủi ro là một nghiệp vụ hoàn toàn mới mẻ nên một số cán bộ công chức hải quan chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chống gian lần về thuế trong áp dụng phương thức này”.
Thứ tư, Cáo trạng chưa phân loại và làm rõ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của từng bị can là cán bộ công chức hải quan trong vụ án để áp dụng hình phạt tương ứng.
Căn cứ nội dung của bản Cáo trạng (trang 25) cho thấy người trực tiếp móc nối với doanh nghiệp và nhận tiền sai quy định là Nguyễn Văn Biên – Chi cục trưởng. Sau đó Biên mới chỉ đạo cho Thái Thanh Nguồn, Nguyễn Phi Công – Phó Chi cục trưởng và Nguyễn Thanh Lâm – Đội trưởng đội nghiệp vụ thực hiện.
Đối với 1 số cán bộ công chức thừa hành (kiểm tra, giám sát), chỉ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo cấp Đội, hoàn toàn không tham gia bàn bạc, không biết gì về tỷ lệ ăn chia (nếu có) và cũng không liên hệ trực tiếp với DN để nhận tiền. Đặc biệt, có những công chức chỉ ký xác nhận từ 01 đến 04 tờ khai và số tiền nhân trực tiếp từ cấp trên cho là không lớn (căn cứ Cáo trạng nêu là từ 9 trăm nghìn đồng đến 3,6 triệu đồng) nhưng đều bị khởi tố theo khoản 3 Điều 281 của Bộ Luật hình sự có khung phạt từ mười năm đến mười lăm năm là quá nặng nề.
Ngoài ra, còn có một số công chức mới vào ngành nên chưa có kinh nghiệm trong việc chống gian lận về thuế của doanh nghiệp, không biết trước về việc doanh nghiệp lợi dụng tờ khai hải quan luồng xanh, luồng vàng để lợi dụng xuất khống hàng hóa.
Do vậy, trong quá trình xét xử, Cục Hải quan trình An Giang đề nghị cần được xem xét, phân loại và làm rõ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của từng cán bộ công chức để áp dụng hình phạt tương ứng (nếu phạm tội theo như cáo trạng truy tố).
Bên cạnh đó, căn cứ bản Kết luận điều tra và Cáo trạng không thấy thể hiện tình tiết một số công chức hải quan bị khởi tố, truy tố nêu trên có dấu hiệu đồng phạm nên áp dụng cùng một tội danh, cùng một điều khoản là chưa thỏa đáng.
Thứ năm, một số nội dung tai kết luận điều tra, cáo trạng có mâu thuẫn cần được làm rõ. Ví dụ như cùng 01 bản cáo trạng nhưng có tới 02 con số khác nhau: Một con số “khoảng 4.000.000.000 đồng” (Cáo trạng dưa trên lời khai của Trần Thị Bích Tuyền); Một con số khác là 1.117.415.027đ do Lâm Thị Thủy đưa cho Nguyễn Văn Biên (dựa trên lời khai của Nguyễn Văn Biên).
“Vậy con số nào mang tính xác thực?”, Cục Hải quan An Giang đặt câu hỏi, đồng thời mong muốn Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM và Tòa án nhân dân TP. HCM xem xét làm rõ thêm những chứng cứ khác để kết tội các công chức hải quan liên quan đến vụ án.
Cục này cũng đề nghị Tòa án cần làm rõ hành vi vụ lợi các bị can là công chức hải quan liên quan trong vụ án.
"Việc cơ quan điều tra cho rằng toàn bộ 92 tờ khai xuất khẩu thuốc lá tại chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình là xuất khống là không hợp lý. Bởi tại kết luận điều tra cũng nếu có trường hợp xác nhận là có hàng hóa là thuốc lá (kèm theo ảnh lô hàng đang bốc xếp hàng thuốc là của TK 2641) và là đúng quy định, không thừa nhận hành vi sai phạm nhưng vẫn bị cơ quan điều tra kết luận là ký khống", công văn cho hay.
Cục Hải quan An Giang kiến nghị Tòa án nhân dân TP. HCM xem xét trả hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM để điều tra bổ sung làm rõ những hành vi cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của các bị can nguyên là công chức hải quan trong vụ án trên.
Hữu Vinh