Đó là thông tin được ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế - đưa ra tại Toạ đàm chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế do Hội truyền thông Số Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức vào sáng nay (18/11).
Trao đổi với PV VietTimes, ông Nam cho hay: Dữ liệu y tế là một lĩnh vực rộng lớn, có liên quan tới 95 triệu người dân Việt Nam. Tất cả các vấn đề sức khoẻ của người dân đều được quản lý theo 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, trạm y tế). Vì thế, khối lượng dữ liệu y tế của người dân là vô cùng khổng lồ. Điều này đặt ra bài toán về quản trị dữ liệu y tế.
Để quản lý dữ liệu y tế, Bộ Y tế chủ yếu tập trung vào vấn đề dân số, khám chữa bệnh, tiêm chủng, tai nạn thương tích, sức khoẻ sinh sản, HIV/AIDS, môi trường,… điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Với hồ sơ sức khoẻ điện tử, bác sĩ sẽ nắm được thông tin sức khoẻ của người dân cũng như các lần khám bệnh trước đó khi đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Không chỉ vậy, người dân còn chủ động theo dõi tình hình sức khoẻ của bản thân để tăng độ chính xác, đảm bảo tính tiền sử khi các bác sĩ tiến hành khám bệnh.
Theo Luật Khám, chữa bệnh, hồ sơ sức khoẻ của bệnh nhân phải đảm bảo tính bảo mật, không được khai thác, cung cấp (trừ trường hợp người dân đồng ý hoặc có sự can thiệp của cơ quan chức năng). Hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân có thể được chia sẻ ở tất cả các bệnh viện.
“Bệnh án điện tử của người dân sẽ được bảo vệ ở bệnh viện và các cơ sở y tế, thông tin của mỗi lượt điều trị đều được cập nhật rõ. Hiện, Bộ Y tế đang thiết lập hành lang pháp lý để đảm bảo tính bảo mật của thông tin cho người dân cùng với những quy định trong Luật An toàn thông tin.” – ông Nam nói.
Thực tế, những quy định trong Luật An toàn thông tin hiện nay chưa đầy đủ và bao phủ hết các vấn đề của người dân. Vì thế, thời gian tới, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu những vấn đề pháp lý và áp dụng một số biện pháp bảo mật của nước ngoài. Ví dụ như tiêu chuẩn IPA của Mỹ nhằm bảo vệ dữ liệu riêng tư cho người dân; hệ thống bảo vệ thông tin trong y tế; bộ ISO 27799 và HIPAA giúp bảo mật thông tin trong y tế. Dựa vào những hệ thống bảo mật này, Bộ Y tế sẽ xây dựng những văn bản hướng dẫn mang tính pháp lý nhằm bảo vệ thông tin riêng tư trong thời gian tới.
Trước sự bùng nổ của chuyển đổi số, cơ chế, chính sách quản lý dữ liệu y tế cần phải thay đổi, bổ sung. Bộ Y tế sẽ áp dụng một số văn bản, tiêu chuẩn của nước ngoài (Mỹ, Anh,…) để bổ sung vào cơ chế, chính sách trong vấn đề đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin riêng tư trong y tế.