Hệ thống phòng không Skynex mà Đức hứa cung cấp cho Ukraine mạnh cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo thông tin được Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal công bố trên tài khoản Telegram, hệ thống phòng không
Skynex của Đức đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại Ukraine để chống lại các mối đe dọa từ trên không của Nga.

Một số thành phần của hệ thống phòng không hiện đại Skynex Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Zhihu).
Một số thành phần của hệ thống phòng không hiện đại Skynex Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Zhihu).

Ông Denys Shmyhal còn tiết lộ Ukraine cũng đang xem xét khả năng hợp tác sản xuất các linh kiện cho hệ thống này. Tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi theo kế hoạch, hệ thống này tới đầu năm 2024 mới được Đức giao hàng cho Ukraine.

Trước đó, Reuters đưa tin, vào ngày 9/12/2022, Công ty Rheinmetall thông báo họ đang chế tạo 2 hệ thống phòng không Skynex cho một khách hàng quốc tế, hệ thống này trị giá khoảng 182 triệu euro và sẽ được giao vào đầu năm 2024. Ngoài ra, một biên bản ghi nhớ về việc mua bán của xe tải HX đã được ký kết, với số tiền khoảng 12 triệu euro. Các xe này sẽ được bàn giao cùng với hệ thống Skynex.

Theo thông tin được hãng DW của Đức công bố, đơn đặt hàng 2 hệ thống phòng không di động Skynex này là dành cho Ukraine. Nếu tin tức này là sự thật, loại hệ thống phòng không này được cho là phù hợp hơn để chống lại loại máy bay không người lái tự sát Shahed-136 của Iran đang được quân đội Nga sử dụng rất hiệu quả khi đó.

He thong Skynex.jpg
Mô-đun pháo chính đặt sau xe tải.

Hệ thống này bao gồm một số thành phần chính như pháo phòng không Oerlikon, radar đa nhiệm, hệ thống C4I, hệ thống tác chiến điện tử và tên lửa đất đối không. Phạm vi tham chiến và độ cao tầm bắn của hệ thống Skynex phụ thuộc vào các thành phần cụ thể. Oerlikon Skyranger Gun là một pháo phòng không 35 mm và Oerlikun Twin Gun là trạm vũ khí điều khiển từ xa pháo hai nòng 35 mm với tầm bắn hiệu quả lên tới 4.000 mét, có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao 3.000 mét.

Các tên lửa đất đối không được tích hợp vào hệ thống Skynex cung cấp các khả năng về phạm vi và độ cao khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng. Ví dụ, Tên lửa đất đối không Rheinmetall Oerlikon (ROSAM) có tầm bắn hiệu quả 6.000 mét và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao 5.000 mét. Các tên lửa khác, như AIM-9X Sidewinder, có tầm bắn hiệu quả lên tới 35 km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lớn hơn. Radar đa nhiệm có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và phân loại các mục tiêu trên không, thường có phạm vi phát hiện từ khoảng cách 20-30 km. Tuy nhiên, khoảng cách này phụ thuộc vào cấu hình cụ thể của radar và kích thước của mục tiêu.

Ten lua cua he thong.jpg
Một số loại đạn tên lửa của hệ thống.

Hệ thống phòng không Skynex có thể hoạt động độc lập hoặc được tích hợp vào mạng lưới phòng không rộng lớn hơn và thiết kế kiểu mô-đun của nó có thể dễ dàng nâng cấp và thích ứng với các tình huống, mối đe dọa khác nhau.

Hệ thống phòng không Skynex được Rheinmetall nghiên cứu phát triển năm 2016. Hệ thống này sử dụng mạng liên lạc chiến thuật và kết cấu mô-đun mở thông qua hệ thống chỉ huy Oerlikon Skymaster để kết hợp nhiều loại cảm biến và các vũ khí phòng không thành một hệ thống phòng không tự động hiệu quả và trên diện rộng. Nó cũng mở rộng khả năng kết nối mạng và đối phó với các mục tiêu bay thấp, chậm và kích thước nhỏ, C-RAM (tên lửa đánh chặn, đạn súng cối, đạn pháo).

Hệ thống chỉ huy và điều khiển Skymaster được lắp đặt trong container độc lập được xe kéo mang thiết bị điều khiển bên trong có thể hiển thị hình ảnh trên không toàn diện được phát hiện qua radar/hồng ngoại/quang điện để thực hiện đánh giá mối đe dọa thời gian thực một cách hiệu quả và điều khiển hỏa lực thông minh. Nó vừa có thể tự động đánh chặn, cũng được điều khiển bằng tay và có thể đối phó với các cuộc tấn công bão hòa thông qua các cảm biến mô-đun đa cấu hình và các đơn nguyên hỏa lực, nó có thể tải thông tin về trung tâm chỉ huy để ra lệnh đánh chặn liên tục, đồng thời cũng có thể tích hợp với các hệ thống phòng không Skyshield và Skyguard.

Man hinh trong trung tam dieu khien cua he thong.jpg
Hệ thống màn hình trong trung tâm điều khiển.

Theo trang giải đáp Zhihu của Trung Quốc, hệ thống phòng không Skynex được trang bị radar sục sạo 3D Oerlikon X-TAR và hệ thống radar quang điện VSHORAD để phát hiện theo thời gian thực; radar Oerlikon X-TAR làm việc ở dải sóng X, phối hợp với công nghệ chùm sóng số giúp tăng cường năng lực phát hiện các UAV nhỏ và các mục tiêu nhỏ tốc độ cao như tên lửa và đạn súng cối. Anten quay với tốc độ 40 vòng/phút và có thể nhận tối đa 16 chùm tia chồng lên nhau cùng một lúc, do đó tạo thành hình ảnh 3D trên không của mục tiêu đang lao tới; khoảng cách phát hiện có thể được chọn ba loại 25 km, 35 km và 55 km, có khả năng chống nhiễu cực kỳ mạnh. Nó cũng có thể được trang bị hệ thống radar quang điện VSHORAD để tạo thành hệ thống dự phòng và khả năng phát hiện tốt hơn.

Radar 3D X-TAR.jpg
Antena radar 3D Oerlikon X-TAR.

Cũng theo Zhihu, về vũ khí, hệ thống phòng không Skynex được trang bị pháo phòng không nòng xoay Oerlikon Mk3, hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm ngắn SkyKnight và pháo laser (HEL), tổ hợp tác chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái. Tháp pháo phòng không xoay Oerlikon Mk3 được trang bị radar dải tần X và tháp xoay quang điện, tầm bắn hiệu quả 3500~5000m, sử dụng bộ đánh lửa cơ học và thiết kế ổ đạn 252 viên không có dây, bắn đạn pháo cỡ 35mm×228mm. Tốc độ bắn có thể lựa chọn bắn liên thanh 1000 phát/phút, 200 phát/phút hoặc bắn phát một, sơ tốc đầu nòng 1050m/s, có thể lắp phía sau xe tải chiến thuật MAN, cũng có thể bắn đạn thông minh AHEAD, đạn chùm phân mảnh, đạn lập trình mảnh đúc sẵn, tính năng bù cho độ chính xác, phù hợp để chống các máy bay không người lái tấn công kiểu bầy ong.

Tên lửa SkyKnight dài 2,2m, đường kính 0,115m, sải cánh 0,3m, nặng 35kg, được lắp đầu dò radar chủ động và sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng (MLU) 60 quả đạn, tên lửa được phóng thẳng đứng và có đầu đạn tầm bắn tối đa 10 km, tầm đánh chặn của đạn pháo là 4 km và đạn dẫn đường chính xác (PGM) là 6 km; nguyên lý hoạt động đánh mục tiêu của nó tương tự như hệ thống tên lửa Iron Dome của Israel.

He thong phong ten lua thang dung.jpg
Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng.

Hệ thống phòng không Skynex được trang bị 2 loại pháo laser phòng không gồm loại thiết bị laser cửa sổ đơn có công suất phát 20 kilowatt đặt trên thùng chứa, sử dụng công nghệ ghép quang phổ, có 360 độ ngang và khả năng ngắm 270 độ. Nó cũng bao gồm loại tia laser ba cửa sổ của hệ thống vũ khí phòng không laser năng lượng cao Oerlikon được lắp đặt trên tháp pháo phòng không, bằng cách sử dụng công nghệ chùm tia trùng, có thể đạt tới hơn 30 kilowatt và khả năng đánh chặn mạnh hơn.

Thap phao.jpg
Tháp pháo có thể đặt trên xe tải hoặc cố định dưới đất.

Nếu thông tin đưa ra là sự thật, sau khi Ukraine có được hệ thống phòng không này, dự tính rằng nó sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng không xung quanh các thành phố hoặc mục tiêu trọng điểm, cấu hình này sẽ rất hữu ích trong việc đánh chặn tên lửa hành trình và UAV cỡ nhỏ của quân đội Nga. Tuy nhiên, hiện vẫn không rõ Đức đã cung cấp loại cấu hình nào, có lẽ nhà sản xuất vẫn muốn tích lũy thêm kinh nghiệm trên chiến trường Nga-Ukraine!

Theo Reuters, DW