Ra khỏi nhà lúc 5h sáng và kết thúc ngày làm việc khoảng 9h tối, tài xế Lê, hãng taxi N thu về từ khách gần 30 triệu/tháng. Thế nhưng, anh Lê phải trả nợ công ty khoảng 10 triệu, hơn 8 triệu tiền xăng, cộng thêm 4 triệu tiền đàm, phí bảo hiểm, công đoàn, đồng phục... nên thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tài xế này chưa tính tới khoản tiền khấu hao xe hàng năm và thỉnh thoảng bị công an phạt.
Thu nhập dưới 100.000 đồng/ngày
Để có một chiếc xe mua trả góp của hãng taxi, hầu hết lái xe phải đóng khoảng 50%, rồi trả nợ gốc kèm lãi hàng tháng với mức lãi suất hiện từ 12 đến 15%/năm.
Giá mua cũng chênh so với thị trường từ 50-200 triệu đồng/xe (tùy thương hiệu) và hãng là người đứng tên. Sau khoảng 5 năm chạy hợp đồng với hãng, tài xế phải bán để chạy xe mới với giá hao hụt ít nhất là 300 triệu đồng so với khi mua. Tính trung bình, mỗi tháng người lái mất khoảng 5 triệu/tháng tiền khấu hao xe (nếu mua mới) nhưng hầu hết đều “quên” khi nói về thu nhập mang về hàng tháng.
Trong khi đó, Nguyễn Việt Hùng, quê Thái Bình, lái xe cho một hãng taxi truyền thống ở Hà Nội cho biết, chiếc Hyundai i10 mà anh mua cổ phần (đóng trước 50% và trả dần trong 4 năm) có giá 560 triệu đồng (giá thị trường khoảng 450 triệu).
“Lãi suất và gốc phải đóng hàng tháng khoảng 7 triệu, rồi cộng tiền đàm, xăng… thu nhập mỗi ngày sau khi trừ chi phí của tôi còn chưa tới 100.000 đồng, mà không ra đường là còn âm tiền”, anh Hùng chia sẻ. Thực tế, khoản thu nhập của tài xế này cũng chưa tính tới khấu hao xe sau khi hết hạn hợp đồng với hãng. Tuy nhiên, Hùng vẫn hy vọng là sau khi trả hết nợ thì tình hình sẽ khá hơn.
Phạm Văn Đ. tài xế của hãng taxi S (Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn: “Nhiều người cứ nghĩ là trả hết nợ thì ngon nhưng thực ra sau 3-4 năm cũng sắp hết hạn và phải mua xe mới của hãng”. Lái xe này cũng cho biết, tài xế là các con nợ của hãng taxi. Khi trả hết nợ, bán xe thì họ lại phải vào một vòng nợ mới.
Thực tế, không ít tài xế đã bỏ giữa chừng vì không chịu nổi áp lực, làm cả tháng không đủ trả nợ, tiền đàm… , anh Đ. tiết lộ.
Khoản "tô" hàng tháng
Hầu hết hãng taxi tại Việt Nam đều hoạt động theo hình thức cổ phần, tài xế mua xe trả góp từ hãng và tự kinh doanh. Các hãng không hỗ trợ gì nhiều cho tài xế mà phần lớn tập trung vào việc bán xe, lốt, thu lãi suất và nợ vay hàng tháng, thu các loại phí khác… Ngoài việc ăn chênh lệch cả trăm triệu đồng mỗi xe cổ phần từ giá, lốt, các hãng còn có khoản thu nhập định kỳ từ việc cho vay trả góp (chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng và lãi cho vay tài xế) như một khoản "tô thuế" từ lái xe.
Ngoài áp lực phải trả các khoản nợ, đàm... cho hãng taxi, tài xế mắc lỗi bị phạt rất nặng . Ảnh minh họa:Phan Anh. |
Cũng chính vì kinh doanh taxi cổ phần kiểu này nên số hãng nở rộ. Hà Nội có trên 110 doanh nghiệp taxi, với 20.000 xe dù đã siết việc đăng ký và mở rộng số lượng xe từ năm 2012. Nguồn tin từ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, không ít hãng chủ yếu bán cổ phần, cho thuê “mào”, tổng đài… để ăn chia phần trăm nên ít chú trọng đến chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện các hãng taxi đều tránh trả lời câu hỏi về mua bán lốt, chênh xe giá cao. Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – ông Đỗ Văn Bình cũng từ chối trả lời về vấn đề này.
Còn ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Taxi Ba Sao khẳng định, ở hãng ông không có chuyện này (mua bán lốt). Về giá xe hãng bán cho tài xế kiểu trả góp chênh so với thị trường, ông Huy cho biết do phí đăng ký xe, đăng ký kinh doanh, nhiều mức phí khác như thiết bị GPS, bộ đàm, mào, biển, phụ kiện…
Về việc lãi suất cao, lãnh đạo này cho rằng hãng căn cứ theo hợp đồng tín dụng và biên độ điều chỉnh từng chu kỳ của ngân hàng. Giám đốc taxi Ba Sao bổ sung, việc tồn tại giá lốt khác nhau phụ thuộc vào uy tín thương hiệu và lượng khách, mỗi hãng chỉ là một luồng quan điểm nên khó có đại diện hãng nào thừa nhận.
Bất chấp môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng gay gắt, dịch vụ taxi vẫn đang nở rộ tại các thành phố lớn. Ảnh:Hoàng Hà |
Chia sẻ với Zing.vn, lãnh đạo một hãng taxi có tiếng ở Hà Nội thừa nhận, việc bán lốt, bán mào, thuê đàm… rồi để mặc tài xế muốn làm gì thì làm diễn ra khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch vụ taxi hay bị khách phàn nàn. Tuy nhiên, ông này nhận xét, ngành taxi không phải là siêu lợi nhuận và không phải hãng nào cũng bóc lột tài xế từ ăn chênh giá bán, vay lãi suất cao…
"Thực tế thì đây là một hợp đồng dân sự, không có ai ép ai cả, mọi người đều tự nguyện. Tài xế mà chăm chỉ, biết làm việc thì thu nhập cũng được chứ không phải thấp”, ông này nói.
Đại diện của Taxi Group cho biết, trên thị trường, các hãng lớn thường có các quy định rất rõ ràng về đào tạo và hỗ trợ tài xế, kiểm tra xe… để đảm bảo chất lượng dịch vụ, không có chuyện chỉ bán “mào” hay để mặc lái xe. Vì thế, không thể đánh đồng hãng làm ăn nghiêm túc với đơn vị chụp giật. Riêng Taxi Group, các tài xế đều lái thuê nên không có chuyện bán lốt.
Với các hãng taxi, do không có nhiều công ty phải công khai kết quả kinh doanh nên khó có thể đánh giá chính xác về hiệu quả. Tuy nhiên, công ty đầu ngành là Vinasun ( TP HCM) thì có kết quả rất tốt. Vinasun có khoảng 5.200 xe, doanh thu năm 2014 là 3.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 313 tỷ (tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu là 10%), doanh thu bình quân mỗi xe là 2,09 triệu đồng, giá cước bình quân là 17.277 đồng.
Làm tài xế taxi hơn 10 năm, trải qua nhiều hãng, anh Nguyễn Đình Quân (Võng Thị, Hà Nội) mới rút xe khỏi công ty để chạy hợp đồng. “Tiền ít quá, sống quá khổ với nghề taxi nên phải bỏ thôi. Giờ chỉ chạy hợp đồng, thỉnh thoảng đá vài cuốc Uber nhưng dạo này Uber giảm hỗ trợ rồi nên cũng khó”, anh Quân tâm sự.
Theo Zing