Hai loại máy bay dùng cho tàu sân bay 003 Trung Quốc đang đóng vừa bay thử nghiệm có gì đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyến bay đầu tiên của máy bay J-31 phiên bản cất hạ cánh trên tàu sân bay và KJ-600, được cho là chuẩn bị trang bị cho tàu sân bay 003 của Trung Quốc, đã gây nên sự chú ý lớn của thế giới bên ngoài.
Chiếc máy bay J-31 phiên bản Hải quân (trên) bay thử xuất hiện trên mạng hôm 29/10 (Ảnh: Dwnews).
Chiếc máy bay J-31 phiên bản Hải quân (trên) bay thử xuất hiện trên mạng hôm 29/10 (Ảnh: Dwnews).

Ngày 29/10, những bức ảnh về chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-31 (hay FC-31) sơn màu xanh đã lan truyền trên Internet. Theo các bức ảnh, máy bay có cánh có thể gập lại, đặc điểm chung của một máy bay hoạt động trên tàu sân bay.

Tin tức cùng ngày cho thấy, loại máy bay cảnh báo sớm KJ-600 dùng cho tàu sân bay cũng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm.

Trang web "Naval News" của Mỹ ngày 29/10 cho biết: "Một số bức ảnh được giới quan sát phát hiện hôm nay cho thấy đây là hai loại máy bay chủ chốt của loại máy bay tác chiến trên tàu sân bay tương lai của Trung Quốc là máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ mới và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. Hai loại máy bay này đều sẽ cất cánh từ tàu sân bay 003 trong tương lai của Trung Quốc".

Ảnh chụp chiếc J-31 phiên bản Hải quân đang bay thử nghiệm (Ảnh: Dwnews).

Ảnh chụp chiếc J-31 phiên bản Hải quân đang bay thử nghiệm (Ảnh: Dwnews).

Hiện vẫn chưa rõ thời điểm chụp ảnh chuyến bay của chiếc KJ-600 mới nhất xuất hiện trên Internet vào ngày 29/10 là khi nào, nhưng nhiều nguồn tin cho thấy đây là sản phẩm của Trung Quốc có tính năng tương đương và cũng rất giống nhau về ngoại hình với chiếc AWACS E-2D "Advanced Hawkeye" kiểu mới nhất của Hải quân Mỹ. Theo các báo, mô hình vật lý của chiếc KJ-600 lần đầu tiên đã xuất hiện trên boong của bệ thử nghiệm tàu ​​sân bay ở Vũ Hán vào năm 2017, khi đó được tuyên truyền "nguyên mẫu sẽ bay lần đầu tiên vào năm 2020".

Chiếc J-31 phiên bản đầu tiên (Ảnh: Dwnews).

Chiếc J-31 phiên bản đầu tiên (Ảnh: Dwnews).

Trang web "Naval News" dự đoán KJ-600 có thể được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động hai mặt có thể xoay (AESA) thay vì sử dụng ba tấm ăng-ten radar xếp thành hình tam giác như máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 được PLA trang bị trước đó. "Thiết kế này có lợi cho việc tăng tối đa diện tích của ăng-ten radar, do đó tăng số lượng và công suất của các thành phần mô-đun T/R được lắp đặt trong đó. Thiết kế này quyết định hiệu suất chính của radar mảng pha ở mức độ lớn".

Trang web "The Drive" của Mỹ ngày 29/10 cho rằng: "Đồng thời với máy bay chiến đấu tàng hình mới J-31 của Trung Quốc bay thử nghiệm lần đầu tiên, KJ-600 cũng đã tiến hành bay thử nghiệm và tung ra những bức ảnh mới nhất". Theo các báo, KJ-600 đã được công khai cách đây vài năm dưới dạng một mô hình vật lý, và mẫu của chiếc máy bay này đã bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm chuyên sâu vào mùa hè năm 2020. "Dự kiến, máy bay cảnh báo sớm KJ-600 trên tàu sân bay sẽ nâng cao đáng kể khả năng của các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay".

Chiếc KJ-600 (phải) đang bay thử nghiệm cùng J-16 (Ảnh: Dwnews).

Chiếc KJ-600 (phải) đang bay thử nghiệm cùng J-16 (Ảnh: Dwnews).

Trang web "The Diplomat" của Mỹ ngày 29/10 đưa tin với kinh nghiệm phong phú gần đây của ngành hàng không Trung Quốc trong việc phát triển các máy bay cảnh báo sớm hiện đại, "có lý khi cho rằng KJ-600 sẽ phục vụ hàng không mẫu hạm 003 vào khoảng năm 2025”.

Trang web "Forbes" của Mỹ cho rằng hiện nay KJ-600 và phiên bản phóng của máy bay J-15 hiện đang trong giai đoạn tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, và phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 (J-31) cũng đã được công bố bay thử nghiệm. "Cũng có tin đồn rằng người Trung Quốc đang phát triển phiên bản tác chiến điện tử của J-15, tức là J-15D”.

Theo Dwnews, “không khó để tưởng tượng rằng khi tàu sân bay 003 của PLA đi vào hoạt động trong tương lai, cả mấy loại máy bay mới này đều sẽ xuất hiện trong danh sách các máy bay có cánh cố định của hải quân Trung Quốc với các máy bay chiến đấu mà nó mang theo, bao gồm máy bay cảnh báo sớm và máy bay tác chiến điện tử hoàn toàn mới, không khác gì các máy bay cùng loại trong Hải quân Mỹ".

Hình vẽ mô phỏng KJ-600 trên tàu sân bay (Ảnh: Dwnews).

Hình vẽ mô phỏng KJ-600 trên tàu sân bay (Ảnh: Dwnews).

Cách đây không lâu, sau khi những bức ảnh về tiến độ đóng mới nhất của tàu sân bay nội địa 003 của Trung Quốc xuất hiện làm dấy lên cuộc thảo luận, thì chiếc máy bay có thể dùng cho tàu sân bay mới 003 cũng đã thu hút nhiều kỳ vọng của nhiều cư dân mạng. Một số hình ảnh về máy bay chiến đấu trên tàu sân bay J-31 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600 có thể lên tàu sân bay gần đây đã được đưa lên mạng Internet. Hai loại máy bay này sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu trên không của tàu sân bay 003, khiến sức mạnh trên không của các máy bay được nó mang theo và phóng lên không bằng máy phóng điện từ, có thể tương đương với các đối tác của nó trong quân đội Mỹ.

J-31 hay Shenyang FC-31 Gyrfalcon là máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi thế hệ thứ Năm hạng trung do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thẩm Dương tự bỏ vốn nghiên cứu , thiết kế, chế tạo, được truyền thông Trung Quốc gọi bằng nhiều tên khác nhau như FC-31, J-31, J-35. Tác giả thiết kế là Tổng công trình sư Tôn Thông của AVIC, Viện sĩ Công trình Trung Quốc. J-31 là loại máy bay chiến đấu đầu tiên được sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo cánh và phần thân giữa khiến số lượng linh kiện giảm tới 50% so với công nghệ bình thường, giá thành và thời gian chế tạo đều giảm nhiều. J-31 có hai phiên bản dùng cho cất hạ cánh trên bộ và phiên bản Hải quân dùng cho tàu sân bay.

Ảnh chiếc tàu sân bay 003 của Trung Quốc đang được đóng ở Thượng Hải (Ảnh: Dwnews).

Ảnh chiếc tàu sân bay 003 của Trung Quốc đang được đóng ở Thượng Hải (Ảnh: Dwnews).

Chiếc FC-31 lần đầu tiên được chụp ảnh khi trùm bạt được xe chở trên đường ngày 23/6/2012, sau đó hình ảnh nó bay thử xuất hiện trên mạng với số hiệu 31001, tức máy bay đầu tiên của Viện Công trình 310. Tháng 12/2016 phiên bản 2.0 được bay thử sau khi cải tiến. Tới tháng 9/2020, phiên bản 3.0 được bay thử với số hiệu 31003, được lắp động cơ WS-13 do Trung Quốc chế tạo thay cho động cơ của Nga. Tháng 6/2021, mô hình chiếc J-31 phiên bản Hải quân đã xuất hiện tại Vũ Hán. Tới ngày 29/10 vừa qua trên mạng lan truyền hình ảnh một chiếc J-31 sơn màu xanh bị cư dân mạng chụp được ảnh khi đang bay thử. The Drive cho rằng, chiếc máy bay này được cải tiến trên cơ sở chiếc J-31 phiên bản 2.0 năm 2016, chỉ khác cánh có thể gập lại được và càng phía trước có thanh dẫn dùng cho máy phóng, mũi máy bay có thiết bị cảm biến của hệ thống ngắm quang điện EOTS giống như F-35 của Mỹ, nắp khoang lái được thu hẹp bớt.

Hình mô phỏng tàu sân bay 003 với các máy bay J-31 và KJ-600 trên boong (Ảnh: Dwnews)
Hình mô phỏng tàu sân bay 003 với các máy bay J-31 và KJ-600 trên boong (Ảnh: Dwnews)

KJ-600 (Không Cảnh-600) do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An chế tạo, được phát triển trên cơ sở máy bay vận tải Yun-7, dự kiến sẽ được trang bị cho tàu sân bay 003, được phát hiện lần đầu ngày 1/6/2019, bay thử lần đầu ngày 29/8/2020.

Một số thông số về J-31:

Chiều dài 17,3m; sải cánh: 11,5m; cao: 4,8m; phụ tải: 8 tấn; trọng lượng cất cánh thông thường: 17,5 tấn; trọng lượng cất cánh lớn nhất: 28 tấn; động cơ: WS-13x2; tốc độ lớn nhất: 2.200km/h (1,8 Mach); trần bay cao nhất: 16.000m; hành trình xa nhất: 2000km; bán kính tác chiến xa nhất: 1.250km; đường băng cất cánh: 400m, hạ cánh: 600m (phiên bản thông thường). Trang bị: có thể mang theo tên lửa không đối không AA-10, AA-11, PL-12 và PL-15.

Giá thành: khoảng 54 đến 70 triệu USD/chiếc.

Hiện có tin mới có 4 chiếc J-31 mẫu được chế tạo.

Một số thông số về KJ-600:

Dài 18,14m; sải cánh 25m; cao: 5,72m; trọng lượng rỗng 25,4 tấn; trọng lượng đầy đủ: 30,4 tấn. Động cơ: 2 động cơ cánh quạt FWJ-6C. Tốc độ lớn nhất: 693km/h; hành trình: 1,250km; độ cao lớn nhất: 15.000m. Đội bay: 5-6 người. KJ-600 được Trung Quốc cho là tương đương với loại AWACS E-2D của Mỹ.