Hai kịch bản chiến tranh thương mại Trung - Mỹ: Ông Trump trừng phạt thêm 200 tỷ USD, Trung Quốc sẽ “báo thù“

VietTimes -- Đến nay, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ chưa có lối thoát, thậm chí đang trầm trọng hơn, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ thề sẽ không để Trung Quốc thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết không để Trung Quốc lớn mạnh vượt Mỹ. Ảnh: Toronto Star
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết không để Trung Quốc lớn mạnh vượt Mỹ. Ảnh: Toronto Star

Tờ Nikkei Nhật Bản ngày 29/8 dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vẫn chưa nhìn thấy đường ra. Hiện nay, tham vấn cấp công tác giữa hai chính phủ cũng chưa thể tìm được điểm thỏa hiệp để kết thúc cuộc chiến thuế quan. Mỹ sẽ thúc đẩy vững chắc công tác chuẩn bị khởi động thuế quan trừng phạt vòng 3 đối với Trung Quốc (quy mô 200 tỷ USD).
Tình hình khác biệt của hai nền kinh tế lớn toàn cầu phải chăng tránh được nguy cơ "đối tượng trừng phạt không ngừng mở rộng"? Trong tương lai có thể xuất hiện hai kịch bản dưới đây:
Kịch bản 1: Trừng phạt mới khởi động, rơi vào "vũng bùn"
Ngày 23/8, sau khi kết thúc đàm phán Trung - Mỹ, Nhà Trắng Mỹ ra tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận cách thức giải quyết vấn đề mang tính kết cấu của Trung Quốc được đưa ra từ 'báo cáo 301'".
Báo cáo này được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đưa ra hồi tháng 3/2018, đã phê phán Trung Quốc cưỡng chế yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các biện pháp như chuyển giao công nghệ và tấn công mạng, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ. Căn cứ để Mỹ tiếp tục đề xuất trưng thu thuế quan trừng phạt hầu như là bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Lập trường của chính phủ Trung Quốc là "chính phủ Trung Quốc chưa từng cưỡng chế yêu cầu các công ty xuyên quốc gia chuyển nhượng công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Những trường hợp chuyển giao công nghệ là hành vi hợp đồng thương mại bình thường, bình đẳng giữa các doanh nghiệp liên doanh".

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây có nhiều biến động. Ảnh: CNBC.
 Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây có nhiều biến động. Ảnh: CNBC.

Đối với việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chính sách chấn hưng ngành nghề khoa học công nghệ cao trong chiến lược "Trung Quốc chế tạo 2025", Bộ Thương mại Trung Quốc phản bác rằng bất cứ nước nào cũng có quyền phát triển.
Ngày 24/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho biết: "Đã tiến hành trao đổi mang tính xây dựng, thẳng thắn về các vấn đề kinh tế thương mại được hai bên quan tâm". Báo chí nhà nước cho rằng hai bên hoàn toàn không khách khí, kiên trì lập trường của mình, cũng không thể thuyết phục có hiệu quả đối phương. Điều này cho thấy hai bên không thể thu hẹp bất đồng.
Trong tuyên bố, phía Trung Quốc chỉ ra: "Hai bên sẽ duy trì tiếp xúc về các bước đi tiếp theo". Mỹ cũng cho biết "Mỹ hoan nghênh đoàn đại biểu Trung Quốc đến Mỹ tham gia hội đàm". Hai bên tạo không gian cho đối thoại thời gian tới, nhưng không thể xác định thời giam đàm phán lần tiếp theo.
Trong tình hình hai bên chưa tìm được điểm thỏa hiệp, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy đường lối cứng rắn. Ngoài thuế quan trị giá 50 tỷ USD đã khởi động, sớm nhất là vào tháng 9/2018 sẽ tiến hành tăng thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá lên tới 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã liệt kê danh sách "báo thù" trị giá 60 tỷ USD. Cuộc đại chiến trừng phạt vẫn đang tiếp tục.
Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Không cho phép Trung Quốc trở thành nước lớn vượt Mỹ", đã để lộ trần trụi ý thức đối kháng. Cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup Mỹ tiến hành hồi tháng 7/2018 cho thấy 62% người ủng hộ Đảng Cộng hòa cho rằng "về lâu dài, trưng thu thuế quan trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ làm cho kinh tế Mỹ tốt lên". Đây cũng là điều tốt để ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11/2018.
Nhà nghiên cứu Derek Scissors từ Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) chỉ ra: "Kết cục phải xem Trung Quốc có đưa ra phương án nhượng bộ được ông Donald Trump chấp nhận hay không", nhưng Trung Quốc cũng khó có thể chấp nhận cúi đầu trước Mỹ vì phải giữ thể diện.
Mặc dù sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng nông sản và năng lượng của Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ không tiến hành nhượng bộ trong vấn đề mang tính kết cấu mà Mỹ yêu cầu, chẳng hạn hủy bỏ "Trung Quốc chế tạo 2025".
Theo quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, so với Mỹ, chiến tranh thương mại gây thiệt hại lớn hơn cho Trung Quốc, nhưng nếu trở thành một cuộc chiến kéo dài thì có lợi cho Trung Quốc. Bởi vì ông Donald Trump sẽ đối mặt với cuộc bầu cử giữa kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc hiện không có tình hình này, nên đã tạo cơ sở cho lập trường cứng rắn của chính phủ Trung Quốc.
Kịch bản 2: Thị trường chấn động, thỏa hiệp lẫn nhau
Scott Kennedy, Phó chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) dự đoán: "Chính quyền Donald Trump tiến hành tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD hầu như là kết cục đã định", trừ phi "kinh tế Mỹ giảm tốc nhanh chóng".
Trung Quốc cũng như vậy. Nếu thái độ cảnh giác với chiến tranh thương mại tăng lên, thị trường rối loạn to lớn, dẫn tới tình thế kinh tế tổng thể rơi vào “vũng bùn", Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi sách lược ứng phó.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có nguy cơ kéo dài. Ảnh: Chinadaily.
 Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có nguy cơ kéo dài. Ảnh: Chinadaily.

Điều Trung Quốc đặc biệt cảnh giác là thị trường ngoại hối của đồng Nhân dân tệ. Ngày 15/8, đồng Nhân dân tệ tiếp tục trượt xuống theo tỷ lệ 1 USD = 6,93 Nhân dân tệ, tiếp cận mức thấp nhất (khoảng 6,95 Nhân dân tệ) trong đợt trượt giá trước của đồng Nhân dân tệ.
Trước khi mở thị trường ngoại hối vào ngày 16/8, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố thông tin Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn thăm Mỹ và tiến hành đàm phán cấp công tác với Mỹ. Sau khi thông tin này được công bố, đồng Nhân dân tệ đã nhanh chóng tăng giá.
Chiến tranh thương mại đang chạm vào dây thần kinh của thị trường. Nếu đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, Trung Quốc có thể buộc phải bán trái phiếu chính phủ Mỹ trong dự trữ ngoại hối, tiến hành phòng vệ tiền tệ. Nếu tình hình diễn ra như vậy, sự rối loạn sẽ lan đến thị trường Mỹ, thậm chí thế giới, đồng thời sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế thực.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể xem thường vấn đề. Trong nội bộ chính phủ như Bộ Tài chính Mỹ, phe thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc tăng cường quyền phát ngôn, do đó các hành động tìm kiếm sự nhượng bộ lẫn nhau sẽ tích cực hơn. Trung Quốc cũng có thể mạnh dạn tiến hành nhượng bộ, đạt được thỏa hiệp với Mỹ.
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11/2018, Papua New Guinea sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC, Argentina cũng sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong thời gian diễn ra các hội nghị quốc tế này, cơ hội tiếp xúc giữa quan chức chính phủ hai nước Trung - Mỹ sẽ tăng lên.