Lời tòa soạn: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ kỷ niệm chung giữa Việt Nam và Hoa kỳ nhân kỷ niệm 25 năm ngày hai cựu thù bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã bị hoãn lại, thay vì diễn ra vào ngày 12/7 như truyền thống. Cũng vì vậy, loạt bài trên VietTimes nhân dịp này cũng được đưa dần theo lịch trình này. Tác giả sẽ phỏng vấn các nhân vật, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, tham gia vào quá trình này.
Nhân vật đầu tiên của loạt bài này là ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch phụ trách về chiến lược của Tập đoàn EQuest, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị Việt Nam – đơn vị đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm này từ phía Việt Nam.
Đầu năm 2006, tôi có bài viết trên Vietnamnet về chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam sang Mỹ, theo lời mời chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush. Đó là chuyện “bếp núc” về chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 6/2005, do Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Dũng kể. Mãi sau này, tôi mới biết được, trong câu chuyện của ông thiếu một chi tiết rất quan trọng: đó là bài viết duy nhất của Thủ tướng có tiêu đề “The Path to Reform” (Con đường Cải cách) trên một tờ báo Mỹ suýt nữa không được đăng. Vì bài đăng vào dịp Tết, ông Lê Dũng không muốn làm Thủ tướng và độc giả mất vui.
Câu chuyện mới này do ông Bạch Ngọc Chiến, lúc đó là tùy viên báo chí đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, kể lại, nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.
Ông Bạch Ngọc Chiến: Hôm đó là buổi tối ngày 16/6/2005, anh Lê Dũng sang tiền trạm trước cho chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi mời Vụ trưởng Vụ Báo chí Lê Dũng đến ăn cơm, cùng với các thành viên khác của sứ quán như Tham tán Chính trị Đặng Đình Quý (nay là Trưởng đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc), Tham tán Lãnh sự Nguyễn Vũ Tú (vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Hàn Quốc) và Tham tán Kinh tế Vũ Quang Minh (hiện đang làm đại sứ tại Campuchia).
Đang nói chuyện và ăn uống vui vẻ thì có điện thoại gọi cho anh Lê Dũng. Tôi liếc thấy Lê Dũng đang nghe, tự nhiên mặt tái đi, anh thốt lên: “Thôi, hỏng rồi!”
Bỏ điện thoại xuống, anh Lê Dũng quay sang tôi nói Vụ Thông tin Báo chí trình và được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho đăng một bài của Thủ tướng trên một tờ báo lớn của Mỹ. Đây là bài viết duy nhất của Thủ tướng với nhiều thông điệp quan trọng, được nhiều chuyên gia tham gia soạn thảo và được Thủ tướng chữa lần cuối. Cú điện thoại vừa rồi thông báo là tờ báo đó sẽ không đăng bài và không nói rõ lý do.
PV: Anh sang trước ngày ông Phan Văn Khải sang bao lâu?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Độ 5 ngày. Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ chính thức gặp Tổng thống George W. Bush ngày 21/6/2005, sau khi xuống máy bay ở Seattle ngày 19/6/2005.
Anh Lê Dũng bảo “Chiến phải tìm mọi quan hệ và mọi cách để đăng được bài trên một tờ báo lớn của Mỹ”.
Tôi bốc máy gọi luôn cho Kevin Baerson, Giám đốc Ban Phát triển Kinh doanh Quốc tế (International Business Development Department) của báo Washington Times, và nói: “Bro (người anh em), tôi cần người anh em giúp một việc: tôi muốn đăng bài viết của Thủ tướng của tôi trên Washington Times, đúng ngày 21/6”.
Anh ta trả lời: “Anh có biết để đăng trên Washington Times, cần phải nộp bài trước 3 tuần trong khi anh chỉ báo tôi trước có 3 ngày, làm sao làm được?”
Ngừng lại một chút, anh ta nói tiếp: “Nhưng điều đó sẽ xảy ra! Vì anh là người anh em của tôi.”
Tôi quay lại báo cáo anh Lê Dũng. Tất cả thở phào.
Đúng ngày 21/6/2005 trên trang Op-Ed (Opinion - Editorial) là trang quan điểm và xã luận đã trang trọng đăng bài “The Path to Reform” của Thủ tướng Phan Văn Khải. Và đây cũng là lần đầu tiên báo nổi tiếng cực hữu này đăng nguyên văn một bài viết của lãnh đạo Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống George W. Bush (Ảnh tư liệu)
|
PV: Anh đã quen ông Giám đốc Ban Phát triển Kinh doanh Quốc tế của báo Washington Times như thế nào, mà nhận được đặc ân như vậy?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Quan hệ với báo Washington Times bắt đầu có từ thời anh Lê Dũng làm Bí thư thứ nhất phụ trách báo chí (9/1996-9/1999). Hồi đó, sứ quán đã làm được một phụ trương về Việt Nam trên Washington Times. Sau đó thì gián đoạn mất vài năm.
Có một hôm, có người xưng danh là người của báo Washington Times gọi điện đến sứ quán xin tôi một cuộc hẹn. Tôi đồng ý gặp. Đó là Kevin Baerson Giám đốc Ban Phát triển Kinh doanh Quốc tế của báo Washington Times. Thực chất, đấy là uyển ngữ của ban marketing (ban quảng cáo). Ông ta nói “chúng tôi từng làm phụ trương về Việt Nam với sứ quán rồi, nhưng giờ tôi muốn nối lại việc làm phụ trương”.
Tôi mời ông ấy đi ăn trưa, để nói chuyện cụ thể. Hai người tỏ ra khá thanh lịch, khi một người gọi đĩa xa lát với nước lọc, còn người kia gọi bánh sandwich với coke. Đoán là Kevin cũng là dân “rượu bia” và dễ gần, tôi hỏi “Anh có uống được rượu không?” Kevin trả lời: “Có.”
“Vậy cuối tuần về nhà tôi uống rượu nhé”, tôi mời và Kevin vui vẻ nhận lời.
PV: Nhưng trong buổi ăn trưa đó, hai người đã thỏa thuận được những gì?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Kevin muốn làm phụ trương về Việt Nam và tôi hoàn toàn nhất trí. Vấn đề là làm thế nào thôi.
Cuối tuần, chúng tôi đã có một bữa nhậu rôm rả, hai người uống hết một chai whiskey 1 lít. Hết buổi, Kevin ôm lấy tôi, và bảo “từ nay mình là anh em”.
Bàn về công việc, Kevin nói muốn làm một phụ trương về Việt Nam 4 trang dưới tiêu đề “Country report”. Đây là một cách làm sáng tạo của Kevin, vì nội dung rất nghiêm túc, nhiều chủ đề, nhưng chủ yếu là xoay quanh quan hệ thương mại hai nước. Kevin chỉ yêu cầu là Đại sứ quán phối hợp với Vụ Thông tin Báo chí bố trí cho anh được phỏng vấn nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, và xin thư ủng hộ của Thủ tướng và một số bộ trưởng.
PV: Anh có xin được thư ủng hộ không?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi báo cáo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và Phó Đại sứ Phạm Bình Minh và được phê duyệt. Sau đó, chúng tôi có được thư ủng hộ của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, và của Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến. Với những “bảo bối” đó, Kevin sang Việt Nam.
Sau 2 tuần ở Việt Nam, Kevin quay về Mỹ và hẹn gặp. Anh ấy xổ ra một hồi phàn nàn về việc không được phỏng vấn người như anh ấy muốn, và thiếu thông tin, chất liệu để viết bài.
Chờ Kevin “xả” xong, tôi bảo: “Anh không xin được tài trợ, đúng không?”
Biết là không giấu được, Kevin gật đầu. Anh ấy nghĩ rằng với cái “bùa” là thư ủng hộ của lãnh đạo cao cấp và mục đích quảng bá cho Việt Nam, anh có thể dễ dàng xin được tài trợ từ các công ty Mỹ và Việt Nam. Nhưng anh đã không đạt được mục tiêu tìm tài trợ trong chuyến đi đó.
Thủ tướng Phan Văn Khải chụp hình chung với tỷ phú Bill Gates. Ảnh tư liệu
|
PV: Vậy anh gỡ thế bí đó bằng cách nào?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi bảo Kevin điểm danh cho tôi những công ty Mỹ mà Washington Times định xin tài trợ, tôi sẽ gọi điện thẳng cho người phụ trách truyền thông và đối ngoại của mấy công ty đó và gửi kèm theo các thư ủng hộ.
Ba ngày sau, Kevin gọi điện lại và reo lên trong máy: “Thật là phép màu, Boeing, Nike và New York Life đồng ý tài trợ rồi Chiến ơi”.
PV: Tại sao anh có thể liên lạc trong 3 ngày mà thành công như vậy, còn Kevin thì không?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi hiểu những công ty đó rất quan tâm đến Việt Nam và nói với họ rằng phụ trương về Việt Nam trên Washington Times là một dự án nghiêm túc, chứ không chỉ là vấn đề mua bán quảng cáo. Việc họ tài trợ bằng cách mua quảng cáo trong phụ trương này là một mũi tên trúng hai mục đích, vừa giúp được Việt Nam, vừa quảng bá cho công ty của họ.
PV: Hồi đó, anh đã có mối quan hệ với các công ty đó chưa?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Chưa từng gặp ai cả. Nhưng quan trọng nhất là cách tiếp cận và cách trình bày vấn đề để mọi người đều thấy lợi ích.
Kết quả là thay vì là bốn trang, Kevin làm 12 trang phụ trương vì nguồn tài trợ khá dồi dào của mấy công ty lớn kia. Các bài viết đều do một cây viết của Washington Times chắp bút. Tư liệu có từ mọi nguồn họ khai thác được hoặc yêu cầu Đại sứ quán cung cấp. Chất lượng biên tập của phụ trương rất cao, không hề mang văn phong quảng cáo. Thực ra điều vui mừng nhất của chúng tôi ở Sứ quán và Vụ Thông tin Báo chí là quan điểm và thông tin của Việt Nam đã được đăng trên một tờ báo vốn nổi tiếng là cực hữu, bảo thủ và không thân thiện với những nước có chế độ chính trị như chúng ta.
Thế là 3 năm liền Kevin ra được ba phụ trương, được đi Việt Nam nhiều lần và cũng thu về cho báo được nhiều lợi ích. Quan hệ của chúng tôi càng thêm khăng khít. Kevin đã giới thiệu tôi với ban biên tập quốc tế và các lãnh đạo cao cấp của tờ báo và đặc biệt là phóng viên chuyên trách về đối ngoại. Từ đó, bất cứ bài báo nào về Việt Nam trên Washington Times đều trích dẫn quan điểm của phía Việt Nam.
Khi chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi đã thảo luận và bố trí một buổi Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến gặp tất cả lãnh đạo cao nhất của tờ báo. Bài viết dựa trên cuộc gặp gỡ Phó Thủ tướng Vũ Khoan được đăng trên trang nhất của báo ngay ngày hôm sau. Trong cả chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải thì Washington Times đã đưa tin “đậm đà” nhất vì họ có độc quyền tiếp cận (exclusive access) và có bài viết của Thủ tướng.
Từ kinh nghiệm với Washington Times, chúng tôi đã tiếp cận đến Wall Street Journal và làm được hai phụ trương đặc biệt (special report) in trong cùng các trang báo chính, chứ không phải là kẹp thêm (insert) như đã làm với Washington Times.
PV: Xin anh kể đi.
Ông Bạch Ngọc Chiến: Không. Bao giờ về hưu, tôi sẽ kể. Tất nhiên, anh sẽ được nghe đầu tiên, nếu anh vẫn còn hành nghề.
PV: Cảm ơn anh!
(Còn nữa)
Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc, Tổ chức Giáo dục EQuest - Hơn 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, làm việc và quản lý các cơ quan nhà nước: +Chuyên viên, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao + Tùy viên báo chí, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ + Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao + Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) + Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định + Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trình độ học vấn: - Thạc sĩ, Đại học Monash, Australia - Đang theo học MBA tại Shidler Business School, Đại học Hawaii - Cử nhân, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - Cử nhân, Đại học Luật Hà Nội. |