>> Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn
>> Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ
>> Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John
>> Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ
Bằng việc đưa các phân tích kinh tế – chính sách chuẩn mực quốc tế vào các thách thức phát triển ở Việt Nam, trường Fulbright đã góp phần ươm tạo các thế hệ lãnh đạo – hơn 1.400 cựu học viên – trong chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức học thuật trên khắp cả nước – những tổ chức đang “khát” nhân tài được đào tạo bài bản, trong bối cảnh nền kinh tế thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngôi trường mang tên Fulbright giữa trung tâm Sài Gòn
Mong muốn ban đầu của Vallely và nhóm cố vấn Harvard là thiết lập sự hiện diện tại Hà Nội. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao thì đề nghị trên quá táo bạo về mặt chính trị.
Thomas Vallely được những người bạn Việt Nam như ông Phan Văn Khải khuyên nên chuyển hướng về TP. Hồ Chí Minh, khi đó đang được xem như “phòng thí nghiệm” của các ý tưởng cải cách để từ đó nhân rộng ra cả nước.
Năm 1994, Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Bob Kerrey…là những người đi đầu vận động Quốc hội Mỹ thông qua việc phân bổ tiền từ Quỹ Học bổng Fulbright để thành lập một trường đào tạo cao học tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại học Kinh tế TP.HCM được chọn để hợp tác cùng Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (viết tắt là FETP, hay được gọi là trường Fulbright).
Năm 1994, cơ sở đào tạo của FETP được khởi công xây dựng tại khu đất Võ Thị Sáu, quận 3, với số vốn 1.750.000 USD tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Thomas Vallely và Giáo sư Drew Faust, Chủ tịch Đại học Harvard tại Trường Fulbright tháng 3 năm 2017. Bà Drew Faust là Chủ tịch Harvard đầu tiên đến thăm Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Tuấn/ FUV. |
Khi mới bắt đầu, FETP tổ chức các khóa đào tạo một năm về kinh tế học, mô phỏng chương trình giảng dạy của Trường Harvard Kennedy, với mục tiêu đơn giản là dạy những kiến thức cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các giảng viên kì cựu được huy động từ những trường đại học hàng đầu của Mỹ – trong số đó có Giáo sư Perkins, người đứng lớp một khóa học mô phỏng lớp về Kinh tế Phát triển Đông Á của ông ở Harvard, Giáo sư Dapice (Đại học Tufts), và Giáo sư James Riedel (Đại học John Hopkins)…với sự giúp sức của nhóm trợ giảng người Việt.
“Khi đó, chúng tôi dạy các khóa kinh tế học tân cổ điển theo đúng cách mà bạn sẽ học ở Harvard. Chúng tôi sử dụng sách giáo khoa Mỹ và không thực sự kết nối những gì chúng tôi giảng dạy với các vấn đề chính sách công ở Việt Nam thời bấy giờ” - Thomas Vallely kể lại.
Phải mất 5-6 năm sau, theo ông Vallely, khi Trường đã xây dựng thành công đội ngũ giảng viên người Việt bao gồm những chuyên gia có tiếng như Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Xuân Thành,…các vấn đề thực tiễn sinh động của Việt Nam mới được lồng ghép vào chương trình đào tạo.
Có những môn học đặc trưng chỉ có ở Fulbright như Tiếp thị địa phương, Thẩm định dự án đầu tư, Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường…
“Ở những nền kinh tế phát triển, những vấn đề này không nóng bỏng và có nhiều tính thời sự. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi và bước vào giai đoạn đòi hỏi cải cách quyết liệt, những khái niệm và kiến thức mới này trở nên hết sức quan trọng” - Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh giải thích.
Thượng nghị sĩ John Kerry trò chuyện với các giảng viên vầ sinh viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông là người có công vận động để Chính phủ Mỹ tài trợ khoản ngân sách xây dựng và hỗ trợ Trường Fulbright hoạt động trong suốt hai thập kỷ (Ảnh: Lê Anh Tuấn - FUV) |
Ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên môn Tiếp thị địa phương của Trường Fulbright, một môn học dạy học viên cách thức làm thế nào để thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Bằng những trải nghiệm sâu sát thực tế của một người tham gia sáng lập khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước đầu những năm 1990, và sau này là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, từ một vùng đầm lầy hoang vu trở thành trung tâm kinh tế – tài chính phồn thịnh của TP.HCM ngày nay, ông Dưỡng đã biến mỗi giờ học thành những cuộc thảo luận sôi nổi về những tình huống và câu hỏi mà mỗi học viên đối mặt trong thực tiễn công việc của họ.
“Nếu như ở trường Harvard Kennedy, các khóa học tập trung vào lý thuyết và xây dựng các mô hình để cố gắng tìm hiểu cách thức vận hành của thế giới thì ở đây, học viên luôn trăn trở với những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt – làm thế nào để bạn tìm ra giải pháp, làm thế nào bạn đến được đó?” – Ông Dưỡng nhận xét.
Một trong những cựu học viên chương trình Đào tạo cao cấp của FETP những khóa đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian làm lãnh đạo Quảng Nam những năm 2000, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét với các chính sách và sáng kiến phát triển kinh tế vùng, mà nổi bật là Khu kinh tế mở Chu Lai và thành phố Hội An.
Ông Thomas Vallely nhớ lại, nhóm giảng viên Fulbright được ông Phúc mời đến thăm Quảng Nam và chia sẻ tầm nhìn biến Hội An, khi ấy vẫn còn vắng khách, trở thành một điểm đến sống động.
Lúc đó, Quảng Nam cũng dự định xây một nhà máy nhiệt điện than. Giáo sư David Dapice đã góp ý thẳng thắn với người học trò cũ rằng: “Ông chỉ có thể chọn hoặc du lịch, hoặc nhiệt điện. Quảng Nam không thể vừa có Hội An như ông muốn, vừa có nhà máy nhiệt điện”.
Giờ đây, Hội An đã trở thành điểm đến du lịch được toàn thế giới biết đến. Còn người chủ tịch tỉnh Quảng Nam năm xưa, nay đã là Thủ tướng Chính phủ.
Thúc đẩy cải cách
Hơn hai mươi năm cải cách mở cửa, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Trường Fulbright cũng vậy – theo cách mà các giảng viên của Trường dấn thân ngày càng sâu hơn vào quá trình giải quyết các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng ông Thomas Vallely nhân chuyến thăm Đại học Harvard. Ông Phúc là cựu học viên khóa đầu tiên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright năm 1994 khi còn là một cán bộ trẻ đầy triển vọng của tỉnh Quảng Nam (Ảnh: FUV) |
Đầu năm 2008, một bầu không khí thỏa mãn và lạc quan bao trùm ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm Đổi Mới với thành tích tăng trưởng cao, rất nhiều người dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu.
Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, thị trường chứng khoán bùng nổ. Với tư cách một quốc gia, Việt Nam ngày càng nhận được sự nể trọng và có ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, bản phân tích chính sách “Lựa chọn thành công” của nhóm tác giả là các học giả Đại học Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) được công khai, tạo hiệu ứng bùng nổ trong giới hoạch định chính sách và công chúng nói chung.
“Lựa chọn Thành công” cảnh báo khẩn thiết về nguy cơ hiện hữu ngày một rõ của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” ở Việt Nam. Nói cách khác, sự xuất hiện của các nhóm đặc quyền được hưởng đặc lợi từ việc giữ nguyên trạng thái hiện tại làm cho quá trình hoạch định chính sách bị biến dạng và thiếu động cơ tiếp tục cải cách.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn Đối thoại Chính sách cấp cao VELP tại Harvard tháng 12 năm 2019 do Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp với Đại học Harvard tổ chức. (Ảnh: FUV) |
Bằng các phân tích và dẫn chứng số liệu thuyết phục, nhóm tác giả không ngần ngại chỉ rõ nếu Việt Nam thất bại trong việc xây “bức tường lửa” cách ly quyền lực kinh tế khỏi quyền lực chính trị, đất nước sẽ “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình.
Từ đó, nhóm khuyến nghị một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.
Những đánh giá và cảnh báo của nhóm học giả Harvard và trường Fulbright, không có gì ngạc nhiên, đã “gây sốc” cho cả hệ thống khi đó, nhất là khi Việt Nam không ngớt nhận được những lời ngợi ca của các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng đầu tư, và báo chí quốc tế.
Chỉ vài tháng sau, những cảnh báo của nhóm tác giả đã thành hiện thực. Các doanh nghiệp nhà nước, như phân tích của nhóm Fulbright, đã tận dụng “mối quan hệ khăng khít” với các ngân hàng nhà nước và lãnh đạo đảng, say sưa vay mượn tràn lan và bành trướng ra ngoài ngành kinh doanh cốt lõi để lao vào bất động sản và các hoạt động đầu cơ khác, góp phần đẩy lạm phát lên tới 23% vào năm 2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nửa cuối năm 2008, kéo theo suy thoái sau đó đã khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rớt xuống mức thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng mà các con rồng châu Á đã duy trì trong suốt hơn ba thập niên.
Những “ông lớn nhà nước” một thời từng được coi là “cú đấm thép” của nền kinh tế, điển hình như Vinashin, Vinalines rơi vào cảnh thua lỗ, đứng trước bờ vực phá sản, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì èo uột từ trước bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhà nước.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một phần lẻ mức thu nhập bình quân của Hàn Quốc và Đài Loan (thậm chí còn thua xa những nước Đông Nam Á ít thành công hơn như Thái Lan và Indonesia) – những nơi mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đến tham quan, học hỏi hơn hai mươi năm trước với sự háo hức và khát vọng lặp lại bài học thành công của họ.
Tiếng nói ngược dòng
Nhiều người lo lắng trường Fulbright có thể gặp rắc rối vì những phản biện quá thẳng thắn, thậm chí có phần “đụng chạm” vào những vấn đề nhạy cảm. Nhưng những nhà lãnh đạo đã từng biết hoặc làm việc với nhóm Fulbright đều không xa lạ với phong cách phản biện trực diện nhưng mang tinh thần tích cực và xây dựng.
Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người sáng lập Trường Fulbright định nghĩa công thức tạo nên sự khác biệt và thành công của các phản biện chính sách mà Trường đã theo đuổi trong hơn hai thập kỷ vừa qua, đó là: nghiên cứu chất lượng cao + phê bình chính sách theo cách có thể ứng dụng được.
“Các nghiên cứu chính sách của Fulbright không được viết để đăng trên tạp chí kinh tế học. Nếu bạn viết cho một tạp chí kinh tế học, không ai ở Việt Nam có thể hiểu được bạn đang nói về cái gì bởi vì nó không khác gì một bài toán.
Bạn phải viết và phân tích vấn đề để làm sao dễ hiểu nhất với đại chúng. Bạn phải hiểu vấn đề và viết thành một cái gì đó có thể thực hiện được cho một quan chức chính phủ, cán bộ đảng để họ có thể nắm bắt rõ vấn đề và thực thi các giải pháp” - ông Vallely giải thích.
Một trong những ví dụ sống động về ảnh hưởng tích cực của tinh thần phê bình mang tính xây dựng mà Fulbright đã tạo dựng với giới làm chính sách ở Việt Nam hay được ông Thomas Vallely chia sẻ là việc Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các quy định đối với hệ thống viễn thông vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
“Ngày nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng nhấc điện thoại lên, vào facebook, và họ nghĩ rằng chúng hoạt động một cách tự động. Nhưng thực ra không phải thế. Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với Internet là bởi vì Việt Nam đã quyết định thực hiện điều mà chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ.
Khuyến nghị của chúng tôi sau các nghiên cứu ấy là: Hãy để hệ thống viễn thông vẫn do nhà nước sở hữu nhưng phải có cạnh tranh. Tôi nhớ là nghiên cứu ấy ra đời khi mà trường Fulbright là một trong số ít trường được tiếp cận với Internet, và lúc ấy chính phủ đang đắn đo về chính sách phổ cấp Internet ở Việt Nam”.
: Ông Thomas Vallely bắt tay bà Charlene Barshefky, Đại diện Thương mại Mỹ thời kì đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ tới thăm Trường Fulbright (Ảnh: FUV) |
Mặc dù trong nội bộ còn nhiều tranh cãi, Chính phủ đã thực sự cân nhắc nghiêm túc khuyến nghị của họ. Năm 1995, Viettel chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ hai ở Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với VNPT.
Cuộc cạnh tranh dù chỉ giữa các công ty nhà nước với nhau cũng đã giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường viễn thông, khiến cho Internet trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận và được kết nối rộng rãi khắp đất nước.
Giờ đây, Việt Nam trở thành nước có độ phủ Internet thuộc nhóm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với 58 triệu dân sử dụng Internet. Việt Nam cũng là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới liên tục trong suốt 10 năm qua.
“Chúng tôi biết rằng không phải lúc nào góp ý của mình cũng được tiếp thu, nhưng chí ít chúng tôi đã đóng vai trò nhất định trong cuộc tranh luận về chính sách. Và điều tuyệt vời về Việt Nam là họ thích chúng tôi làm việc đó”, ông Vallely chia sẻ.
Sau khi “Lựa chọn thành công” ra mắt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định “bật đèn xanh” cho một kênh đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn về những vấn đề cải cách hóc búa mà đất nước phải đối mặt. Kết quả là Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) ra đời cuối năm 2008, với tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.
Kể từ đó đến nay, VELP đã đưa các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam, thường được dẫn đầu bởi một phó thủ tướng hoặc ủy viên bộ chính trị, sang Harvard Kennedy và dành một tuần để thảo luận với các chuyên gia hàng đầu thế giới về những xu hướng và vấn đề tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
(Còn tiếp)