Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm vaccie COVID-19 cho người dân (Ảnh - Trần Minh) |
Thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine cho người dân
Theo báo cáo của TP. Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 6h ngày 14/9), Hà Nội đã có tổng cộng 4.080 ca mắc COVID-19, trong đó, 1.595 ca ngoài cộng đồng; 2.225 ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa; 213 ca mắc trong bệnh viện; 47 ca nhập cảnh. Nhằm phát hiện sớm F0, Hà Nội đã triển khai xét nghiệm diện rộng, huy động các lực lượng tham gia với công suất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Tốc độ xét nghiệm đã tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây, số ca mắc cộng đồng giảm nhiều, cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8, giảm xuống thấp nhất cho đến ngày 12/9 là 4 ca.
Hiện, tính cả 97.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vaccine COVID-19. Tổng cộng đến nay, Hà Nội đã tiêm 5,13 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó hơn 4,7 triệu người tiêm mũi 1 và hơn 425.000 người được tiêm mũi 2.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố (Ảnh - Trần Minh) |
Theo ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - để phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã chống dịch theo phương châm “lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ”. Hà Nội đang duy trì việc cách ly F1 tập trung. Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người, với phương án bảo đảm về nhân lực và nguồn lực cho các khu cách ly. Đến nay, thành phố đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.
Về điều trị, Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%). Thành phố đã có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các cơ sở điều trị hoạt động hiệu quả.
“Qua việc triển khai công tác tiêm vaccine, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, về cơ bản thành phố đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong toả. Hà Nội nóng như vậy, nguy cơ cao như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế”- ông Dũng nói.
Không để dịch lây lan vào khu công nghiệp
Trong chiều nay, ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, do biến thể Delta lây lan nhanh nên nguy cơ dịch bùng phát luôn hiện hữu. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.
Về điều trị, thành phố phải thực hiện nghiêm phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nếu làm tốt phân tầng và điều trị hiệu quả ở tầng 1 và tầng 2 thì sẽ tránh được gánh nặng cho tầng 3, giảm nguy cơ cho người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ ý kiến về công tác tiêm vaccine, phòng dịch của TP. Hà Nội (Ảnh - Trần Minh) |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp vì dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau. Thành phố cần yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng, chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ).
Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động. Sau đợt tổng xét nghiệm lần này, thành phố cần đánh giá lại trên cơ sở quyết định của Bộ Y tế về đánh giá mức độ nguy cơ các vùng, để từ đó có kế hoạch xét nghiệm tiếp theo phù hợp với từng khu vực, từng mức độ nguy cơ và xây dựng lộ trình cụ thể để gỡ bỏ phong toả từng khu vực.
Về công tác tiêm chủng vaccine, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiêm nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn, lưu ý cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.