Hạ lãi suất mở lối cho tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Động thái giảm lãi suất huy động trên diện rộng tại các ngân hàng được kỳ vọng sẽ sớm kéo lãi suất cho vay hạ nhiệt trong thời gian tới, mở đường cho tín dụng tăng trưởng trở lại.
Những ngân hàng có nền tảng vốn và tiềm lực tài chính vững vàng – với lợi thế ưu tiên giành được hạn mức tín dụng cao – được dự báo sẽ bứt phá với hoạt động cho vay, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023
Những ngân hàng có nền tảng vốn và tiềm lực tài chính vững vàng – với lợi thế ưu tiên giành được hạn mức tín dụng cao – được dự báo sẽ bứt phá với hoạt động cho vay, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023

Lãi suất hạ nhiệt

Những tuần gần đây liên tục chứng kiến nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đánh dấu đợt giảm thứ 2 từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ đầu tháng 4 vừa qua.

Với mức giảm lãi suất huy động lên tới 1,5% ở các kỳ hạn, các ngân hàng hiện đang niêm yết mức lãi suất thấp hơn 9%/năm – giảm đáng kể so với mức lãi suất đạt đỉnh 11-12%/năm trong quý cuối năm 2022.

Theo báo cáo phân tích thị trường tiền tệ của VNDirect phát hành hồi đầu tháng 4, lãi suất tiền gửi được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới trên cơ sở FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm, cùng với việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, cũng là những yếu tố hẫu thuẫn cho việc giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7.0%/năm trong nửa cuối năm 2023,” CTCK này viết trong báo cáo.

Còn theo Dragon Capital, quỹ này tin rằng Chính phủ sẽ có thêm những hành động quyết liệt hơn để hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế, đặc biệt trên nền tảng số liệu quý 1 cho thấy tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước và thanh khoản đang dư thừa tại các ngân hàng. Tính tới cuối tháng 3, tín dụng tăng 2.06% so với cuối năm ngoái, thấp hơn con số 5.04% cùng kỳ năm 2022.

Cú huých cho tín dụng

Với mặt bằng lãi giảm và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, các ngân hàng có thêm hi vọng cải thiện hoạt động cho vay, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2023 – đặc biệt đối với những ngân hàng được ưu tiên hạn mức tăng trưởng tín dụng cao.

Trong năm 2023, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10-13%. Khối ngân hàng tư nhân có phần tham vọng hơn, đặt ra các mức tăng trưởng tín dụng lên tới 33%, như trường hợp của VPBank, hay VIB 25% và HDB với 24%...

Đối với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, cân nhắc tới các yếu tố như chi phí vốn cao, nợ xấu gia tăng và cầu tín dụng thấp do ảnh hưởng của tình hình kinh tế vĩ mô, nhiều ngân hàng cũng cẩn trọng hơn khi đặt ra các mục tiêu thấp hơn năm trước. Các ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10-15% so với cùng kỳ, trong khi nhiều NHTM khác đặt mục tiêu cao hơn từ 10-17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, dù năm trước có thể đạt mức 30-40%.

Đáng chú ý, VPBank là ngân hàng khá quyết liệt khi đặt mục tiêu tín dụng đạt 636,000 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 24,000 tỷ đồng (tăng 13% so năm 2022 hoặc nếu loại khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm trong năm 2022 sẽ là 53%).

Theo phân tích của VNDirect, sau thương vụ phát hành riêng lẻ 15% với Tập đoàn SMBC mới đây, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank đã được nâng lên hơn 20%, từ 14.9% ghi nhận vào cuối năm 2022, trở thành một trong những tiêu chí để ngân hàng được nhận room tín dụng ở mức cao từ NHNN. Trong năm 2022, VPBank được NHNN giao hạn mức 31%, cao nhất hệ thống.

CTCK MBS đánh giá nhờ vốn cấp 1 gia tăng đáng kể, VPBank hoàn toàn có cơ sở nhận được một hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đương hoặc cao hơn so với năm 2022. Ngoài ra, với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng sẽ được ưu tiên cấp thêm room tín dụng.

“Chúng tôi dự báo hạn mức tăng trưởng tín dụng của VPBank trong năm 2023 sẽ đạt 25-26%,” MBS viết trong báo cáo mới nhất.

Tuy cả hai chỉ tiêu tăng trưởng VPBank đặt ra đều khá tham vọng trong bối cảnh nhu cầu còn yếu, nhưng cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo ngân hàng này vào triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023, đặc biệt khi ngân hàng này còn nhận được sự hậu thuẫn không nhỏ của cổ đông chiến lược chính thức SMBC. VPBank hiện là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống với gần 140,000 tỷ đồng.

“Chúng tôi kỳ vọng những chính sách hỗ trợ gần đây và việc phát hành riêng lẻ 15% cho SMBC (kỳ vọng hoàn thành trong quý 2 hoặc 3 năm nay) sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của VPBank thêm niềm tin ngân hàng có thể đạt được/vượt dự phóng hiện tại,” VNDirect nhận định.