Theo đó, căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2, Điều 7 Luật Cạnh tranh, Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Đồng thời, phía Grab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mà hãng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu phía Grab gửi toàn bộ tài liệu cũng như hợp đồng mua bán với Uber trước ngày 3/4/2018.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Trước đó, ngày 26/3, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á, và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab.
Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời với thỏa thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Sau khi thương vụ này hoàn tất, ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam, đã lên tiếng trấn an dư luận tại Việt Nam.
Theo đó, trang chủ của Grab Việt Nam cho hay: “Dù không còn đối thủ nhưng Grab vẫn cam kết giữ vững những lợi ích lâu dài nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Đông Nam Á nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Phía Grab cũng khẳng định việc nhiều tài xế gia nhập sẽ giúp cải thiện đáng kể thời gian chờ của khách hàng. Với tài xế, những đối tác tài xế hiện tại và đối tác mới sẽ có thể có thu nhập cao hơn nhờ nhận được nhiều yêu cầu đặt xe hơn, tỉ lệ kết nối với khách hàng cũng sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn trên một ứng dụng.
Nhận định này của hãng có thể hiểu, đồng nghĩa với việc sáp nhập Uber tại Đông Nam Á, Grab đã hoàn toàn độc quyền trong mảng kinh doanh vận tải tại khu vực này.
Điều này đang khiến dư luận lo ngại khi giá taxi công nghệ thời gian tới sẽ tăng, ít khuyến mãi.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín bày tỏ, việc sáp nhập Uber vào Grab không tránh khỏi lo ngại chuyện độc quyền, tăng giá cước trong thời gian tới. Đồng thời, với số lượng tài xế sáp nhập đông hơn, doanh nghiệp khó kiểm soát và nâng cao chất lượng phục vụ… gây thiệt hại cho người dùng.
Trước tình trạng này, ông Tín cho rằng các ứng dụng của các hãng taxi phải nâng cao công nghệ, khả năng cạnh tranh về giá cũng như cải thiện thêm chất lượng phục vụ.
Trước nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ việc độc quyền của Grab, nhất là trên khía cạnh Luật Cạnh tranh, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) cho rằng không có cơ sở khẳng định thương vụ M&A này vi phạm luật cạnh tranh.
Ông Đức cho biết việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp là ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Giống như Google chiếm thị phần tra cứu thông tin rất lớn ở Việt Nam, nhưng nếu có việc sáp nhập thì được áp dụng theo luật của Mỹ, chứ không áp dụng luật Việt Nam.
Nhìn nhận theo hướng khác, PGS.TS Trần Việt Dũng, trưởng khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM cho rằng, Grab và Uber đã gây sức ép cạnh tranh lên các hãng taxi ở Việt Nam trong cuộc đua thúc đẩy công nghệ, dịch vụ… Do đó, với sức ép càng lớn từ Grab sau khi thâu tóm Uber, các hãng taxi ở Việt Nam sẽ có môi trường cạnh tranh mạnh hơn để phát triển.
Ngoài ra, nếu giả sử nhờ vị thế tạm thời độc quyền mà Grab có lợi nhuận cao, thì sẽ kích thích các nhà đầu tư gia nhập ngành, khi đó cạnh tranh sẽ trở lại.