Trong thông tin vừa phát đi thông tin về nhu cầu thực tế cần xây dựng thói quen an toàn mạng cho người lớn tuổi Việt Nam, Google cho biết, người trong nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% số người đã từng bị lừa đảo trực tuyến.
Khi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, top 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là: Không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo (48%), giao dịch/giải thưởng có vẻ hấp dẫn (39%), cảm thấy tò mò (38%). Về ảnh hưởng của thói quen, 78% người dùng có thói quen online không an toàn đã từng bị lừa, cao hơn so với con số tương ứng là 66% ở nhóm người dùng có thói quen online an toàn.
Một số thói quen không an toàn phổ biến là: Sử dụng các tổ hợp dễ nhớ làm mật khẩu, sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, hoặc bỏ qua các cảnh báo từ trình duyệt web hoặc cửa hàng ứng dụng. Điển hình như việc sử dụng mật khẩu đơn giản, khảo sát cho thấy 33% nhóm người dùng trên 55 tuổi mắc phải thói quen này - chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi.
"Người dùng Internet tại Việt Nam không có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ bị lừa đảo giữa nhóm nông thôn và thành thị hoặc theo thời gian online" - Google nhận định và minh chứng qua con số: Tỷ lệ người sống ở nông thôn có tỷ lệ bị lừa là 69% - so với nhóm sống ở thành thị là 73%. Tỷ lệ bị lừa ở nhóm online nhiều (hơn 7 giờ/ngày trong 3 tháng gần nhất) là 69% - so với nhóm online ít là 75%. Như vậy sự cẩn trọng trong thói quen lên mạng là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Theo Google, để xây dựng những thói quen online an toàn, cần đặt trọng tâm là xây dựng thói quen tốt cho người lớn tuổi như: Bảo mật tài khoản, thận trọng khi chia sẻ thông tin trên mạng, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, các nguyên tắc hành động khi gặp trường hợp lừa đảo và khi đã bị lừa đảo.
Trước đó, chương trình “An toàn thông tin trên không gian mạng cho người lớn tuổi” đã được Google triển khai tại Việt Nam từ tháng 8/2023 thông qua sự phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC Việt Nam). Hơn 9.000 thanh niên trên toàn quốc được cung cấp thông tin về an toàn trực tuyến, qua đó tập huấn lại cho hơn 6.700 người cao tuổi về thói quen giữ an toàn thông tin mạng thông qua các hoạt động cộng đồng tại địa phương./.