Chỉ 36% trẻ em Việt Nam nắm được cách để an toàn trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hầu hết trẻ em Việt Nam có kỹ năng an toàn trên môi trường trực tuyến, biết cách báo cáo nội dung có hại trên mạng xã hội, nhưng chỉ 36% trẻ em Việt Nam nắm được cách để an toàn trên không gian mạng.

Chỉ 36% trẻ em Việt Nam nắm được cách để an toàn trên không gian mạng

Nghiên cứu "Disrupting Harm 2022" do UNICEF, ECPAT International và Interpol phối hợp thực hiện đã chỉ ra trong năm qua, 1% người dùng internet trong độ tuổi 12–17 ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua Internet.

Trong thời điểm chuẩn bị năm học mới, chuyên gia của công ty an ninh mạng Kaspersky, ông Lance Spitzner từ Học viện SANS, đã tóm tắt 3 mối đe dọa chính đối với những trẻ em lớn lên trong thế giới số ngày nay: Người lạ: kẻ săn mồi tình dục, sextortion (tống tiền dựa trên tình dục), lừa đảo; Bạn bè: bạo lực mạng, chơi khăm, sextortion; Bản thân: chia sẻ quá mức, nhắn tin khiêu dâm, bắt nạt, tải xuống/chia sẻ nội dung bất hợp pháp.

Một báo cáo của Kaspersky tiết lộ rằng Gen Z hoặc những người trong độ tuổi từ 11 đến 26 là những người có xu hướng chia sẻ quá mức, cho rằng họ hiểu biết về bảo mật trực tuyến nhưng lại dễ bị lừa đảo nhất. Khoảng 55% người tham gia khảo sát thừa nhận đã đưa thông tin cá nhân của họ như tên, ngày sinh và địa điểm lên mạng xã hội. 72% trong số họ không thể xác định được các vụ lừa đảo và 26% thú nhận đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Các bậc phụ huynh cần làm gì?

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các bậc phụ huynh tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang nuôi dạy những đứa trẻ “siêu kết nối” (hyper-connected) và mối quan tâm lớn hiện tại của họ là liệu con họ có trở thành mục tiêu của tội phạm mạng hay không. Nguy cơ về việc trẻ em bị người lạ dụ dỗ, bị bắt nạt trên mạng và thậm chí bị đánh cắp thông tin cá nhân ở trường học là mối lo thực tế.

Do đó, các bậc phụ huynh cần biết một vài biện pháp để nuôi dạy trẻ hiệu quả và an toàn hơn trong một thế giới kỹ thuật số. Trong đó, các bậc phụ huynh cần nói chuyện thường xuyên với con, nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để thảo luận về một ngày của con, bao gồm cả hoạt động trực tuyến của chúng. Hãy yêu cầu con chia sẻ về mặt tích cực và tiêu cực mà chúng gặp phải trên mạng.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần xây dựng bầu không khí cởi mở, thoải mái khi nói chuyện với con cái với những vấn đề con gặp trên mạng nhưng đồng thời họ cũng phải đặt ranh giới, thiết lập các quy tắc cơ bản rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi của con về những gì được làm và không được phép làm trên mạng. Đồng thời, hãy giải thích lý do các quy tắc này được áp dụng và giúp con nhận thức được hậu quả của những việc không nên làm.

Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm kiểm soát đáng tin cậy dành cho phụ huynh để thiết lập khuôn khổ cho những gì có thể chấp nhận được liên quan đến hoạt động trực tuyến của con, bao gồm việc chúng có thể dành bao nhiêu thời gian (và khi nào) trực tuyến, nội dung hoặc loại hoạt động nào nên chặn (phòng trò chuyện, diễn đàn…) là điều cũng nên làm.

Khi đã mua một chiếc điện thoại thông minh cho con mình, hãy xác định rằng đó không chỉ là một chiếc điện thoại mà còn là một thiết bị máy tính vô cùng tinh vi sở hữu tính năng kiểm soát của phụ huynh và có thể lọc nội dung xấu, độc hại trên môi trường kĩ thuật số.

Đừng quên tận dụng các cài đặt do ISP, nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp mạng điện thoại di động cung cấp. Ví dụ: hầu hết các điện thoại đều cho phép người dùng ngăn chặn mua hàng trong ứng dụng. Nhờ đó, phụ huynh có thể tránh phải trả những hóa đơn đắt đỏ khi con mình chơi trò chơi trên thiết bị di động./.