Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh như vậy tại buổi họp sáng 24/5 với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ... về tiến độ về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Nguồn: VGP)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Nguồn: VGP)

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng là góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản.

Theo ông Hà, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục cũng như điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và cơ bản được tháo gỡ sau khi các luật này có hiệu lực.

“Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Ngân hàng và doanh nghiệp phải "đi chung con đường"

Cùng ngày (24/5), tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, song còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tập trung xử lý.

Ông Phương cho rằng, hiện nay, có nhóm doanh nghiệp không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn…

"Do đó hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với nhóm doanh nghiệp này", Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất và nhấn mạnh “phải có giải pháp để xử lý tận gốc của vấn đề”.

Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết không chỉ riêng doanh nghiệp, "các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay”. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân.

le-minh-khai.PNG
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (Nguồn: VGP)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ngân hàng và doanh nghiệp "phải đi chung con đường". Tuy nhiên, ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường.

Ông Khái đề nghị NHNN và các bộ ngành "phải phản ứng chính sách nhanh hơn", thông tin kịp thời để dư luận hiểu, đồng thuận trong quá trình chỉ đạo thực hiện các chính sách tiền tệ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp.

NHNN cũng sẽ sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn"./.