Giữa lúc quan hệ với Mỹ-Ấn-Đài căng thẳng, Trung Quốc sửa Luật Quốc phòng, tăng điều kiện khai chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Ấn tiếp tục căng thẳng và tình hình eo biển Đài Loan phức tạp, Trung Quốc dự định sửa đổi “Luật Quốc phòng”, tăng thêm điều kiện phát động chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa giải trình về dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (Ảnh: CCTV).
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa giải trình về dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (Ảnh: CCTV).

Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews, Trung Quốc dự định sửa đổi “Luật Quốc phòng”, bổ sung thêm nội dung để làm rõ rằng “khi chủ quyền, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích phát triển bị đe dọa”, sẽ tiến hành tổng động viên toàn quốc hoặc động viên cục bộ; trong đó “lợi ích phát triển” là nội dung mới được thêm vào. Nội dung mới này được bổ sung vào Điều thứ 44 của Chương 8 “Động viên quốc phòng và trạng thái chiến tranh” luật hiện hành nay là Điều 47 của dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi.

Vào ngày 21/10 theo giờ Bắc Kinh, “Luật Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Dự thảo sửa đổi)” đã được công bố lấy ý kiến ​​rộng rãi thông qua trang web chính thức của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, trưng cầu ý kiến ​​từ ngày 21/10 đến ngày 19/11/2020. Đồng thời toàn văn dự thảo “Luật Quốc phòng...” sửa đổi đã được đăng trên trang web này và nhiều cơ quan thông tin đại chúng.

Theo dự thảo Luật Quốc phòng Trung Quốc sửa đổi, nội dung "lợi ích phát triển" được đưa thêm vào điều kiện phát động chiến tranh (Ảnh: sina).

Theo dự thảo Luật Quốc phòng Trung Quốc sửa đổi, nội dung "lợi ích phát triển" được đưa thêm vào điều kiện phát động chiến tranh (Ảnh: sina).

Được biết, kỳ họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 đã họp phiên toàn thể đầu tiên vào ngày 13/10 để thảo luận xem xét đề xuất của Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương trình xem xét dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi. Ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tham dự và báo cáo giải trình về văn bản dự thảo.

Theo bài viết trên tài khoản WeChat chính thức của Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, ông Ngụy Phượng Hòa nói, kể từ khi được ban hành vào năm 1997, Luật Quốc phòng Trung Quốc hiện hành đã “đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố quốc phòng, đẩy mạnh quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên, trước sự phát triển và biến đổi của tình hình thế giới, trong nước, trong đảng, trong quân đội, Luật Quốc phòng hiện hành không còn khả năng thích ứng hoàn toàn với nhiệm vụ, yêu cầu mới của việc bảo vệ tổ quốc và xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, cần phải được sửa đổi, hoàn thiện”.

Ông Ngụy Phượng Hòa cho rằng, “trong hơn 20 năm qua, cục diện chiến lược thế giới đã có nhiều biến đổi sâu sắc, cạnh tranh chiến lược quốc tế ngày càng gia tăng, các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực liên tục gia tăng, xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ diễn ra liên tục; sự bất ổn và tính không xác định đối với an ninh quốc tế ngày càng nổi bật”.

Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi của Trung Quốc bổ sung thêm các nội dung mới về đối ngoại quốc phòng. Ảnh: ông Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (Ảnh: udn).

Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi của Trung Quốc bổ sung thêm các nội dung mới về đối ngoại quốc phòng. Ảnh: ông Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (Ảnh: udn).

Ngụy Phượng Hòa cho rằng, “Trung Quốc đang ở trong thời kỳ có cơ hội chiến lược quan trọng để phát triển, các mối đe dọa và thách thức an ninh ngày càng đa dạng và phức tạp, đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao đối với việc nâng cao toàn diện khả năng quốc phòng. Cấp thiết phải có những điều chỉnh tương ứng đối với hệ thống chính sách quốc phòng để làm căn cứ pháp luật cho việc xây dựng một nền quốc phòng hiện đại và vững chắc, bảo vệ có hiệu quả chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia”.

Theo báo cáo, Luật Quốc phòng hiện hành của Trung Quốc có 12 chương và 70 điều. Lần này có kế hoạch sửa đổi 50 điều, tăng thêm 6 điều và xóa bỏ 3 điều. So với luật hiện hành, “tổ chức và thực hiện các hoạt động giao lưu, hợp tác quân sự quốc tế” là một nội dung mới được bổ sung.

Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi bổ sung các quy định mới: “Nhà nước thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn của các hoạt động, tài sản và các lợi ích khác trong các lĩnh vực an ninh quan trọng khác, bao gồm không gian, điện từ và không gian mạng”.

Trong chương “Nhiệm vụ và quyền lợi của quân nhân”, dự thảo sửa đổi nêu rõ, “quân nhân phải trung thành với tổ quốc, trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện chức trách, chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, bảo vệ an ninh, danh dự và lợi ích của tổ quốc”. Trong đó, “trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc” là một nội dung mới được bổ sung.

Chương “Quan hệ quân sự đối ngoại”, dự thảo sửa đổi cũng bổ sung các quy định mới: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân theo các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, sử dụng các lực lượng vũ trang của mình theo luật pháp liên quan của quốc gia để bảo vệ an toàn của công dân, tổ chức, cơ quan và cơ sở của Trung Quốc ở nước ngoài; bảo vệ lợi ích của quốc gia ở nước ngoài; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động cứu hộ quốc tế, hộ tống hàng hải, tập trận và huấn luyện chung, chống chủ nghĩa khủng bố”.

Luật sửa đổi còn có thêm nội dung “chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách”. Trong Chương 2, “Quyền hạn quốc phòng của cơ quan nhà nước”, đã điều chỉnh một số quyền hạn quốc phòng của Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương cho phù hợp; bổ sung thêm nội dung về chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy. Cụ thể, Điều 14 của dự thảo sửa đổi nêu rõ “Quốc vụ viện Trung Quốc lãnh đạo, quản lý việc xây dựng quốc phòng và thực thi tám quyền hạn. Trong đó, quyền thứ bảy là “cùng với Quân ủy Trung ương lãnh đạo xây dựng dân quân, công tác tuyển quân và các công tác quản lý các lĩnh vực phòng vệ an ninh lớn khác như bảo vệ biên giới, phòng thủ bờ biển và phòng không”.

Gần đây, đối đầu giữa các lực lượng quân sự Mỹ - Trung trên Biển Đông liên tục diễn ra. Trong ảnh: máy bay Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp đấu khẩu với lực lượng Trung Quốc (Ảnh: CNN).

Gần đây, đối đầu giữa các lực lượng quân sự Mỹ - Trung trên Biển Đông liên tục diễn ra. Trong ảnh: máy bay Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp đấu khẩu với lực lượng Trung Quốc (Ảnh: CNN).

Quy định của luật hiện hành là: “Cùng với Quân ủy Trung ương lãnh đạo việc xây dựng và tuyển dụng Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, lực lượng dân quân, dự bị động viên và quản lý công tác biên phòng, phòng thủ bờ biển và phòng không”. Điều 15 của dự thảo sửa đổi nêu rõ “Quân ủy Trung ương sẽ lãnh đạo các lực lượng vũ trang quốc gia”. Trong đó, mục thứ ba và thứ sáu bổ sung “Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc”, đồng thời, “Tổng bộ” được đổi thành Các cơ quan Quân ủy Trung ương và Chiến khu”.

Ngoài ra, liên quan đến kinh phí quốc phòng và tài sản quốc phòng, dự thảo luật sửa đổi cũng đề cập cụ thể, kinh phí quốc phòng thực hiện quản lý dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật, trong khi luật hiện hành quy định rằng nhà nước thực hiện chế độ trích tài chính cho kinh phí quốc phòng. Dự thảo sửa đổi Luật Quốc phòng dự kiến xóa bỏ và thay thế bằng “thực hiện quản lý dự toán theo quy định của pháp luật”.