Nhiều doanh nghiệp (DN) bức xúc vì từ ngày 1-7, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), DN có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế như trước đây.
Khó chồng khó
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết đặc thù ngành của cao su, nhựa là phải trữ nhiều nguyên vật liệu để sản xuất, nếu không được hoàn thuế thì DN sẽ rất khó xoay xở. Chẳng hạn như ngành cao su sản xuất có tính mùa vụ. DN buộc phải trữ nguyên vật liệu trong nhiều tháng để sản xuất. Hơn nữa, khi giá nguyên liệu cao su thấp, DN thường tận dụng cơ hội này để nhập về nhiều nên tồn kho lớn.
Do đó, nếu không được hoàn thuế GTGT đối với lượng hàng tồn kho này, chi phí sử dụng vốn và chi phí tài chính DN chắc chắn sẽ tăng cao.
“Những tháng đầu năm nay, trong các cuộc gặp giữa DN với các cơ quan nhà nước, rất nhiều công ty đã phản ánh những khó khăn vì quy định không hoàn thuế cho hàng tồn kho. Phía hiệp hội cũng đã có kiến nghị phải gỡ bỏ quy định bất hợp lý này nhưng vẫn chưa có thay đổi” - ông Anh nói.
Ông Trần Cường, quản lý một công ty may tại TP.HCM, cho hay đơn vị phải mua nguyên liệu trước 2-3 tháng. Hằng năm công ty đều tồn kho 20%-30%, thậm chí nhiều hơn. Tới đây không được hoàn thuế thì mỗi năm công ty mất hàng trăm triệu đồng. “Số tiền không được hoàn thuế này có thể không nhiều đối với công ty lớn nhưng với DN nhỏ và vừa thì đây là số tiền lớn. Đặc biệt khi không được hoàn thuế, DN phải đi vay ngân hàng khiến phí sản xuất tăng lên”.
Chuyên gia về thuế, ông Nguyễn Thái Sơn, đánh giá: “Ngành thuế ngày càng đặt ra những quy định ngặt nghèo về hoàn thuế. Cụ thể, trước đây quy định thuế GTGT âm đầu vào ba tháng vẫn được hoàn thuế, sau này lên thành 12 tháng mới được hoàn. Nhưng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT có hiệu lực từ ngày 1-7 thì quy định không hoàn thuế GTGT âm đầu vào 12 tháng. Thực chất đây là những giải pháp tình thế của ngành thuế để không hoàn thuế cho DN”.
Ông Sơn cũng chỉ ra rằng với quy định trên, những ngành sản xuất phải nhập nguyên liệu đầu vào lớn như ngành thép, vật liệu xây dựng, cao su, nhựa, dệt may… sẽ thiệt hại nặng nề nhất.
“Chẳng hạn, một công ty thép mua nguyên liệu với giá trị rất lớn, hàng tồn kho thường xuyên vì phải trữ hàng rất nhiều mới chủ động cung ứng kịp thời khi khách hàng cần. Khi quy định không hoàn thuế áp dụng thì các DN thiệt hại lớn. Việc không cho hoàn thuế GTGT đẩy những DN trong trường hợp đã khó khăn thì càng khó khăn hơn” - ông Sơn nói.
Không nên đánh đồng doanh nghiệp
Theo báo cáo tác động Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính giải thích quy định hoàn thuế cũ làm tăng thủ tục và lãng phí thời gian để tuân thủ chính sách đối với DN làm ăn chân chính, làm tăng khối lượng công tác đối với cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán. Trong khi đó, quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng, giảm gian lận, hạn chế những DN lợi dụng chính sách trước đây để hoàn thuế GTGT.
Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến với việc áp dụng quy định mới, số giảm hoàn thuế trong một năm sẽ vào khoảng 16.000 tỉ đồng. Số thuế này sẽ được chuyển sang khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của những kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Sơn, việc ngành thuế lấy lý do DN gian lận, mua hóa đơn rồi hoàn thuế lấy tiền của Nhà nước là thiếu thuyết phục. Bởi đây chỉ là số ít chứ không phải đa số DN. Để chống gian lận thuế thì ngành thuế phải có biện pháp để chống gian lận chứ không thể áp dụng quy định không hoàn thuế “đánh đồng” tất cả DN là không được.
Tán đồng với quan điểm này, đại diện một DN không muốn nêu tên cho rằng việc không hoàn thuế với hàng tồn là không sòng phẳng với DN. Trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, không tăng phí, lệ phí, thuế thì lại có những quy định như vậy làm khó DN.
Không có tiền để sản xuất
Giải thích về việc DN có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng trả lời báo chí rằng phải hiểu bản chất của vấn đề là DN sẽ không mất số tiền hoàn thuế. Lý do là sau này bán ra hàng tồn kho sẽ thu lại. Nếu quy định như trước, cũng đã có DN chiếm dụng vốn của Nhà nước để xoay vòng, ảnh hưởng đến ngân sách, lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm dụng vốn.
Tuy nhiều DN không tán đồng với quan điểm này. “Ngành thuế ước số giảm hoàn thuế một năm vào khoảng 16.000 tỉ đồng. Thực chất đây là một cách chiếm dụng tiền vốn của DN và điều này khiến DN thiếu vốn sản xuất. Nếu số tiền trên được hoàn trả cho DN thì sẽ giúp chúng tôi không phải đi vay vốn ngân hàng, có vốn để xoay vòng, mở rộng sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước nhiều hơn” - đại diện một DN không muốn nêu tên nói.
Trong ba tháng đầu năm nay, cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã ban hành 4.578 quyết định hoàn thuế với số tiền được hoàn là khoảng 19.961 tỉ đồng, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Theo PLO