Giá xét nghiệm COVID-19 chênh lệch giữa cơ sở công lập và tư nhân, CDC Hà Nội nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giá xét nghiệm COVID-19 có sự chênh lệch lớn giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân là phản ánh của nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)
Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra vào chiều nay (11/11).

Muốn xét nghiệm COVID-19 ở bên ngoài, người dân phải tự chi trả

Liên quan đến phản ánh của các quận huyện về việc chênh lệch giá xét nghiệm giữa các cơ sở công lập (734 nghìn đồng) và tư nhân (1,2 triệu đồng), ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) - cho biết: Hiện, giá xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội là 734.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân (Ảnh: Minh Thuý)

Bác sĩ thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân (Ảnh: Minh Thuý)

Tuy nhiên, đây chỉ là mức tạm thu, trong đó, chưa tính các chi phí về vận chuyển, mẫu vật tư tiêu hao,… CDC Hà Nội cũng đã làm việc và sẵn sàng phối hợp với các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; khách sạn làm khu cách ly tập trung và các khu cách ly của quân đội trong công tác lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – đã giao CDC Hà Nội thực hiện xét nghiệm ở tất cả các khu cách ly (cả ở các khách sạn) với mức giá 734 nghìn đồng. Người dân nào có nhu cầu xét nghiệm COVID-19 ở các cơ sở tư nhân thì phải chấp nhận với mức giá 1,2 triệu đồng.

5 địa điểm “cấm vào” nếu không có khẩu trang

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, sau khi người dân được nhắc nhở, việc đeo khẩu trang cơ bản đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thành phố là 100%. Trước nguy cơ dịch bệnh khi mùa đông đến, biểu hiện chủ quan lơ là rất dễ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Vì vậy, ông Quý nhấn mạnh: “5 địa điểm gồm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ, ai không có khẩu trang không cho vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa”.

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội (Ảnh: Phú Khánh)

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội (Ảnh: Phú Khánh)

Đánh giá tình hình dịch COVID-19, TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – cho biết: Hà Nội vẫn đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhất là đeo khẩu trang. Qua mấy đợt dịch, các biện pháp phòng dịch mà Hà Nội đều đúng đắn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay giống như sau đợt dịch số 1 khi mùa đông đang đến, đang nới lỏng các giải pháp,… khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Câu hỏi “trong cộng đồng hiện nay còn mầm bệnh hay không?” vẫn chưa thể trả lời được.

Hiện nay hàng trăm hãng trên thế giới đang sản xuất vaccine và đang thử nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi về việc miễn dịch kéo dài được bao lâu…Giá vaccine và việc nhập khẩu vào Việt Nam còn khó khăn. Trong nước có 4 nơi đặt vấn đề sản xuất vaccine. Có đơn vị đã thử nghiệm trên chuột, chuẩn bị xin thử nghiệm trên người; có đơn vị đang thử nghiệm vaccine trên khỉ.

“Cuối năm 2021, đầu năm 2022 may ra mới có vaccine. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế mà trong đó quan trọng nhất là đeo khẩu trang” - ông Phu nói.