Giá dầu thô Brent giảm mạnh xuống mức quanh 48,5 USD một thùng, còn tại Mỹ có giá 44,41 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, sau báo cáo từ Mỹ cho biết dự trữ và sản lượng dầu thô của nước này lên mức cao nhất trong hơn 3 thập niên.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 23/1 tăng 8,87 triệu thùng, lên mức 406,7 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 8/1982 khi thống kê này bắt đầu được theo dõi. Mức tăng này vượt xa dự báo tăng 3,85 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ngoài ra, EIA còn dự báo sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng. Theo cơ quan này, trong năm 2015, Mỹ sẽ sản xuất 9,31 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều nhất kể từ năm 1972. Tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 27.000 thùng, lên mức 9,21 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 1983.
Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 giảm 1,78 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 44,45 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu ngọt nhẹ kể từ ngày 11/3/2009.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 3 giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 48,47 USD/thùng.
“Sản lượng và mức dự trữ dầu của Mỹ sẽ không giảm trong ít nhất 3-6 tháng tới. Hiện chẳng có động lực nào để giá dầu tăng lên cả”, nhà quản lý quỹ Chip Hodge thuộc công ty John Hancock nhận định.
Phát biểu tại một hội thảo ở Riyadh hôm 26/1, ông Khalid Al-Falih, Giám đốc điều hành (CEO) công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia, tuyên bố, nước này sẽ duy trì chính sách hiện tại, tức là từ chối cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu, cho dù giá dầu có giảm xuống mức “quá thấp cho tất cả mọi người”.
Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - đã dùng tiếng nói của mình để OPEC ra quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp hôm 27/11/2014.
“Cung cầu và các quy luật kinh tế sẽ quyết định. Sẽ phải mất thời gian để tình trạng thừa dầu hiện nay được giải quyết. Saudi Arabia sẽ không đơn thương độc mã cân bằng thị trường khi giá giảm”, ông al-Falih nói.
Giá xăng giao sau tại Mỹ hôm qua giảm 0,51 cent, tương đương giảm 0,4%, còn 1,345 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 2 giảm 3,1 cent, tương đương giảm 1,9%, còn 1,6318 USD/gallon.
Theo AAA, tổ chức chuyên theo dõi giá xăng bán lẻ tại Mỹ, giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc tại nước này hôm 25/1 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, ở mức 2,038 USD/gallon, tương đương khoảng 11.500 đồng/lít.
Ngân hàng Anh Barclays đã cắt giảm dự báo giá trung bình của dầu thô Brent trong năm nay về mức 44 USD/thùng từ mức 72 USD/thùng do sản lượng dầu của Mỹ ở mức cao. Theo Barclays, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ sẽ tiếp tục giảm trong mấy tháng tới, xuống dưới mức 40 USD/thùng.
“Thật khó để tưởng tượng giá dầu sớm trở lại mức 90-100 USD/thùng. Tôi không nhận thấy khả năng giá dầu phục hồi trước quý 3 hoặc quý 4 năm nay”, chiến lược gia cấp cao Dan Heckman thuộc US Bank Wealth Management nhận định.
Một số nhà phân tích khác cũng cho rằng triển vọng giá dầu phục hồi thấp vì nhu cầu năng lượng toàn cầu đi xuống, nhất là ở châu Á.
"Chính phủ Trung Quốc đang dịch chuyển từ khai đoạn đầu tư ồ ạt hồi 2008 sang giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng vững chắc", nhà phân tích Wood Mackenzie nhận định. Tổ chức này cho rằng 2014 là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng GDP và tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc đi ngược chiều nhau, do ảnh hưởng của gói kích thích năm 2009 bắt đầu nhạt dần.
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho rằng giá dầu rẻ sẽ không mang lại cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế châu Á. "Giá dầu rẻ có thể phần nào mang lại ích lợi cho tăng trưởng tại châu Á, nhưng không đủ lớn để thay đổi hẳn dự báo về GDP", báo cáo của ngân hàng này nhận định.
Theo Vneconomy/Vnexpress