Câu hỏi trên được đưa ra trong hội thảo "Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho biết, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu, nhưng chưa có thương hiệu gạo sạch, gạo chất lượng cao nào trên thị trường thế giới. Xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam vẫn chạy theo số lượng. Việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Ngoài ra còn có các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Bên cạnh đó, việc sản xuất với kỹ thuật tụt hậu và lạm dụng hóa chất trong canh tác, cộng với môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi đã làm cho gạo Việt thất thế trên thương trường.
Vì vậy, những năm gần đây, gạo Việt đang mất dần thị phần bởi bị cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực.
Để giải quyết vấn đề trên, gạo Việt Nam cần được nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay.
Các chính sách nên tập trung vào quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn – hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát đến nông sản an toàn. Giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.