Foxconn Đài Loan bán toàn bộ cổ phần của tập đoàn sản xuất chip Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tập đoàn Công nghệ Foxconn, doanh nghiệp lắp ráp iPhone lớn nhất cho Apple bán toàn bộ cổ phần đầu tư trong công ty sản xuất chip Trung Quốc, thực hiện chính sách kiềm chế Bắc Kinh của Đài Bắc.
Đài Loan thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chíp tiên tiến. Ảnh Swarajyamag
Đài Loan thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chíp tiên tiến. Ảnh Swarajyamag

Ngày 16/12, tập đoàn Công nghệ Foxconn Đài Loan, doanh nghiệp sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới, cho biết công ty thành viên ở Trung Quốc đã đồng ý bán toàn bộ cổ phần trong tập đoàn chip Thanh Hoa Unigroup Trung Quốc, đang gặp khó khăn do các lệnh hạn chế của Mỹ.

Đài Loan thể hiện tính cảnh giác cao với tham vọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đưa ra các động thái thắt chặt luật pháp nhằm thực hiện điều mà Đài Bắc tuyên bố là ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của các doanh nghiệp Đài Loan.

Foxconn, nhà lắp ráp iPhone và là cơ sở cung cấp chính của Apple, tháng 7/2022 cho biết doanh nghiệp thành viên Xingwei là cổ đông của tập đoàn Tsinghua Unigroup.

Foxconn đã không xin phép nhà cầm quyền Đài Loan trước khi tiến hành khoản đầu tư, các nhà chức trách Đài Bắc cáo buộc doanh nghiệp đã vi phạm luật điều chỉnh quan hệ của hòn đảo với Trung Quốc. Reuters, dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Đêm ngày 16/12, trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Đài Bắc, Foxconn cho biết, công ty con Xingwei, 99% do đơn vị niêm yết tại Trung Quốc Foxconn Industrial Internet Co kiểm soát 99%, đồng ý bán cổ phần trong tập đoàn Tsinghua Unigroup với giá thấp nhất là 5,38 tỷ nhân dân tệ (772 triệu USD).

Công ty Xingwei kiểm soát 48,9% cổ phần của một công ty, nắm giữ 20% cổ phần trong tập đoàn Tsinghua Unigroup, kiểm soát hoàn toàn doanh nghiệp này.

Foxconn không đưa ra bất cứ giải thích nào cho quyết định trong bộ hồ sơ giao cho sàn giao dịch chứng khoán. Cả Foxconn và Thanh Hoa Unigroup đều không trả lời các yêu cầu bình luận ngày 17/12.

Tháng 8/2022, Foxconn cho biết doanh nghiệp có kế hoạch B nếu nhà cầm quyền Đài Bắc không chấp thuận đầu tư, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết vào thời điểm đó.

Luật pháp Đài Loan quy định, nhà cầm quyền Đài Bắc có thể cấm đầu tư vào Trung Quốc “dựa trên cơ sở xem xét an ninh quốc gia và phát triển công nghiệp”. Những thực thể vi phạm luật có thể bị phạt nhiều lần cho đến khi sửa chữa sai lầm.

Foxconn, tên chính thức tại Đài Loan là Hon Hai Precision Industry, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sản xuất chip ô tô khi mở rộng kinh doanh sang thị trường xe điện.

Công ty đang nỗ lực tìm mua lại những nhà máy sản xuất chip trên toàn cầu, đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn cung cấp trong tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn trên toàn thế giới, khiến các nhà sản xuất hàng hóa từ ô tô đến đồ điện tử gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất.

Nhà cầm quyền Đài Bắc cấm các công ty công nghệ bán dẫn xây dựng xưởng đúc tiên tiến ở Trung Quốc để đảm bảo không đưa công nghệ chip tốt nhất ra nước ngoài.

Nhà cầm quyền Đài Loan tỏ ra rất cảnh giác, khi Trung Quốc bắt đầu tổ chức những cuộc diễn tập quân sự thường xuyên gần đảo, trong đó có các cuộc diễn tập phóng tên lửa vào tháng 8/2022, khẳng định tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này.

Khởi đầu là một chi nhánh của Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, tập đoàn Thanh Hoa Unigroup đã nổi lên trong thập kỷ trước với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, đã lạc hậu so với thế giới và Đài Loan.

Dưới thời cựu chủ tịch Zhao Weiguo, công ty rơi vào tình huống không thể thanh toán một số khoản trái phiếu cuối năm 2020, đối mặt với khoản nợ 30 tỷ USD và nguy cơ phá sản. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp để giữ lại nhà sản xuất chip quan trọng này. Tập đoàn vẫn chưa tạo ra bất kỳ vai trò dẫn đầu toàn cầu nào trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện bán dẫn.

Theo South China Morning Post