Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Fitch Ratings cho biết việc hạ xếp hạng tín dụng phản ánh 'chất lượng điều hành đi xuống' của chính phủ Mỹ. Điều này được cho là sẽ tác động tiêu cực tới thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ Mỹ bị một công ty xếp hạng uy tín hạ mức tín dụng (Ảnh: WSJ)
Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ Mỹ bị một công ty xếp hạng uy tín hạ mức tín dụng (Ảnh: WSJ)

Fitch Ratings (Fitch) vừa hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+, với lý do 'chất lượng điều hành đi xuống'.

Động thái của hãng xếp hạng tín nhiệm này phát đi cảnh báo về tình trạng nợ công ở Mỹ. Những bất đồng quanh vấn đề trần nợ công đầu năm nay khiến Mỹ gặp rủi ro vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

“Các bất đồng về trần nợ tái diễn và những giải pháp được đưa ra vào phút chót đã làm suy giảm niềm tin về quản trị tài chính”, Fitch cho biết.

Theo The Wall Street Journal, việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm - bởi một hãng xếp hạng lớn lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ - đang phủ bóng lên triển vọng của thị trường trái phiếu kho bạc toàn cầu trị giá 25.000 tỉ USD.

Trái phiếu kho bạc Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu, bởi nó được xem là một loại chứng khoán trú ẩn an toàn, đem lại lợi nhuận mà gần như không có rủi ro.

Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Fitch, đổ lỗi cho những vấn đề trong quản trị có từ thời chính quyền Donald Trump và cho rằng Mỹ không có rủi ro trễ hạn thanh toán nợ.

“Sự thay đổi mà Fitch Ratings công bố ngày hôm nay là tuỳ tiện và dựa trên dữ liệu đã lỗi thời”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố.

Các quan chức cho rằng đội ngũ của Fitch trong lúc biện minh cho sự quan ngại của họ về hệ thống chính trị Mỹ, đã liên tục nhắc lại về sự kiện diễn ra ngày 6/1/2021, khi mà những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đổ tới Đồi Capitol để nói rằng kỳ bầu cử năm 2020 bị “đánh cắp”.

Ông Trump đã bác bỏ mọi cáo buộc, và liên tục cáo buộc các công tố viên nhằm vào ông với mục đích chính trị.

Dự báo về suy thoái

Fitch dự báo rằng thâm hụt của chính phủ Mỹ sẽ tăng lên tới 6,3% GDP trong năm 2023, so với 3,7% trong năm ngoái. Tăng trưởng thâm hụt cho thấy doanh thu liên bang yếu hơn theo chu kỳ, nhiều sáng kiến chi tiêu mới và gánh nặng do lãi suất cao hơn, theo Fitch. Công ty cũng dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ trượt vào một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.

Các nhà đầu tư tổ chức và giao dịch đều dựa vào xếp hạng tín dụng để đánh giá rủi ro mà một bên vay lớn như chính phủ và tập đoàn không thể thu lời trên khoản tiền mà họ nợ. Các tổ chức bị xếp hạng thấp thường là phải bù cho các nhà đầu tư các khoản thanh toán lãi suất cao hơn để đổi lấy đặc quyền vay.

Dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất thế giới và chịu trách nhiệm về đồng tiền quan trọng nhất, chính phủ Mỹ thường được coi là một trong những bên vay an toàn nhất thế giới. Các ngân hàng và công ty trên toàn cầu thường cho rằng trái phiếu kho bạc Mỹ có tính thanh khoản và độ tin cậy cao như tiền mặt – nhờ vào niềm tin bất khả xâm phạm đối với khả năng thanh toán của chính phủ Mỹ.

Theo Luke Tilley, kinh tế gia trưởng đến từ Wilmington Trust, các ngân hàng và nhà đầu tư khó có thể đột ngột thoát khỏi sự phụ thuộc của họ vào trái phiếu kho bạc chỉ vì hành động của một công ty xếp hạng đơn lẻ. Nhưng những động thái như của Fitch sẽ làm suy giảm niềm tin của các thị trường tài chính toàn cầu đối với chính phủ Mỹ.

“Rome không được xây dựng chỉ trong một ngày, và cũng không thể sụp đổ chỉ trong một ngày”, Tiller ví von hồi tháng 5, khi Mỹ đứng trước bờ vực vỡ nợ. “Nhưng nếu hai phe ở Washington buộc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại xem Mỹ có thể thanh toán các khoản nợ hay không", ông nói./.