Cách nền kinh tế Mỹ hướng tới "hạ cánh mềm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các doanh nghiệp ở Mỹ đang giảm bớt các hoạt động nhưng không muốn sa thải nhân viên, điều này có thể gây ra một cuộc suy thoái.

tải xuống.jpg
Nhân viên của công ty VendingONE sử dụng iPad để tăng hiệu quả lao động (Ảnh: WSJ)

Để xem “hạ cánh mềm” là như thế nào, không cần nhìn đâu xa, chỉ cần xem việc tuyển dụng của các doanh nghiệp, theo giới chuyên gia.

Nhiều phần của nền kinh tế đang hạ nhiệt, điều mà Fed muốn thấy trong cuộc chiến chống lạm phát. Ví dụ, các tuyến đường sắt chở hàng đang chứng kiến khối lượng hàng suy giảm. Nhiều công ty xây dựng đang cắt giảm chi tiêu mua trang thiết bị. Khách hàng của một công ty bán máy bán hàng tự động cố gắng đàm phán để được giảm giá.

Nhưng chìa khoá giúp giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng là gì? Liệu các công ty có giữ chân người lao động hay sẽ sa thải họ? Và câu trả lời, trong một nền kinh tế đầy những tín hiệu hỗn loạn, là khá rõ: Các doanh nghiệp ưu tiên giữ chân người lao động. Ví dụ, Apple đang tránh cắt giảm nhân công bất chấp tình trạng khó lường của nền kinh tế.

Ngược lại, tất cả những người lao động được giữ chân đó lại đang chi tiêu tiền lương của họ dù đã chậm hơn trước. Bởi vậy, nền kinh tế Mỹ dường như đang hạ nhiệt dần, cùng lúc đảo ngược khả năng suy thoái được đồn đoán từ lâu.

1.png
Sự thay đổi của chỉ số giá của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) so với năm trước (Ảnh: WSJ)

Dữ liệu kinh tế mới trong tuần này càng củng cố thêm sự lạc quan rằng lạm phát có thể giảm trong khi nền kinh tế Mỹ không trượt vào suy thoái. Sản lượng nền kinh tế tăng tốc trong những tháng gần đây nhờ chi tiêu tiêu dùng vững chắc. Lạm phát giảm còn 3% trong tháng 6, theo thước đo mà Fed tin dùng. Và tăng trưởng lương, dù vẫn cao, nhưng đã chậm lại, theo Bộ Lao động Mỹ.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng trong hôm 28/7. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đã tăng suốt 3 tuần liên tiếp, với các chỉ số khác khép lại hôm thứ Sáu ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chứng kiến khởi đầu của việc giảm lạm phát mà không có hậu quả thực sự đối với thị trường lao động. Và đó là điều thực sự tốt”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu hôm thứ tư sau khi ngân hàng trung ương quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm.

Ông nói rằng trong "trường hợp cơ bản", lạm phát có thể trở về mức mục tiêu 2% của Fed “mà không gây ra những suy thoái đáng kể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao”.

2.png
Nhiều công ty ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, thay vì cắt giảm nhân công (Ảnh: WSJ)

Các doanh nghiệp đào tạo chéo công nhân và khai thác công nghệ

Nhiều nhà kinh tế học, chuyên gia tài chính và chủ doanh nghiệp dự báo về điều ngược lại: lạm phát và lãi suất cao sẽ buộc các công ty phải sa thải nhân công, và những người thất nghiệp sẽ giảm chi tiêu, nền kinh tế sẽ suy sụp.

Mong muốn giữ chân người lao động, nếu có thể, là một sự thay đổi so với giai đoạn 2007-2009 và 2020, thời điểm mà sa thải hàng loạt diễn ra thường xuyên hơn và nền kinh tế Mỹ trượt vào suy thoái.

Bắt đầu từ 3 năm trước, công ty VendingONE tại Los Angeles đã sa thải tới hơn 50% trong tổng số 37 nhân viên của mình để phản ứng trước đại dịch. Khi doanh số bán hàng phục hồi, họ tăng số lượng nhân viên lên 25.

Hiện giờ, mặc dù hoạt động kinh doanh đã giảm nhẹ và khách hàng đàm phán lại các hợp đồng do lo ngại suy thoái, VendingONE vẫn giữ chân nhân viên bằng cách đào tạo chéo và ứng dụng công nghệ để cắt giảm chi phí.

Công ty bắt đầu sử dụng phần mềm để lên lịch cho tài xế đi tới những điểm có máy cần sửa, giúp họ mất ít thời gian di chuyển hơn. Công ty cũng đang tái cấu trúc lại các thoả thuận mua bán và ứng dụng công nghệ để điều chỉnh mức độ bổ sung hàng, tránh lãng phí.

VendingONE không phải là ngoại lệ. Chỉ có 7% chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ có dự định cắt giảm nhân viên trong năm nay, theo bản nghiên cứu mới được thực hiện bởi Wall Street Journal. Chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ thường có xu hướng ngại sa thải nhân viên, một phần là bởi quan hệ gần gũi giữa họ. Nhiều người cho hay họ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong việc tuyển lao động.

im-826000.jpg
VendingONE ứng dụng công nghệ để giảm thời gian di chuyển của các tài xế (Ảnh: WSJ)

Các công ty đủ loại quy mô đang tuyển mộ lao động với tốc độ chậm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn thêm trung bình 278.000 việc làm/tháng trong tháng 6. Cắt giảm nhân viên vẫn khá hiếm, và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.

Người tiêu dùng Mỹ có thể không muốn giảm chi tiêu nếu như họ còn giữ được việc làm của mình, theo Erik Lundh, chuyên gia kinh tế đến từ Conference Board. Và khi người tiêu dùng còn chiếm tới 2/3 hoạt động nền kinh tế, điều này có thể làm giảm thiểu tác động của lãi suất cao tới nền kinh tế Mỹ.

“Chính sự khoẻ mạnh của thị trường lao động đã phần nào đó giúp nền kinh tế tránh rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng và kéo dài”, Lundh nói.

Vào đầu năm nay, nhiều nhà kinh tế học kỳ vọng rằng chiến dịch nâng lãi suất nhịp độ cao của Fed sẽ gây ra một cuộc suy thoái ở thời điểm hiện tại. Nhưng điều đó đã không xảy ra, mặc dù nhiều chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế sẽ hạ nhiệt trong nửa sau năm nay.

Chi tiêu của doanh nghiệp nhỏ chậm lại

Nhìn rộng hơn, đầu tư kinh doanh đã tăng mạnh trong mùa Xuân năm nay, chủ yếu do Mỹ tăng đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chip và xe điện, và mua thêm máy bay. Một số nhà kinh tế kỳ vọng rằng đây chỉ là đợt tăng nhất thời.

Hơn 2/3 các chủ doanh nghiệp nhỏ trong cuộc khảo sát tháng 6 nói rằng họ đã triển khai biện pháp cắt giảm chi phí trong 6 tháng trước, và cũng tỷ lệ tương tự cho hay họ có kế hoạch cắt giảm chi phí trong tương lai. Các biện pháp được áp dụng bao gồm tìm nguồn cung ứng mới, ngừng tuyển dụng, ngừng hoặc giảm chi phí vốn và loại bỏ những sản phẩm, dịch vụ không sinh lời.

Những chiến lược này cho phép nhiều công ty chuẩn bị sẵn tư thế ứng phó với khả năng suy giảm sâu hơn mà không phải cắt giảm nhân viên, và chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế.

CEO Apple Tim Cook: “Sa thải là biện pháp cuối cùng”

Apple đã tránh việc sa thải nhân viên của mình. Nhà sản xuất iPhone hiện đang quản lý chi phí một cách chặt chẽ và ngừng tuyển dụng trong một số lĩnh vực nhất định, cùng lúc tuyển mộ trong các lĩnh vực khác, CEO Tim Cook cho hay.

“Tôi coi sa thải nhân viên là biện pháp cuối cùng”, Cook nói. “Chúng tôi muốn quản lý chi phí theo những khách khác, đến mức độ mà chúng tôi còn có thể”.

4.png
Kế hoạch chi tiêu của các doanh nghiệp đã chậm lại, nhưng vẫn ở trong vùng tăng trưởng (Ảnh: WSJ)

Các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hoá đã giúp cho nhiều người lao động giữ được việc làm trong năm nay bất chấp sự suy giảm về khối lượng hàng được vận chuyển, điều này đánh dấu sự đảo ngược so với trước đây. Các hãng điều hành đường sắt đã cắt giảm mạnh nhân công trong giai đoạn COVID-19 và sau đó gặp khó khăn khi thuê lại họ khi nền kinh tế phục hồi. Kết quả là nhiều hãng điều hành bị sụt giảm doanh thu do không có đủ đội ngũ làm việc để đáp ứng nhu cầu.

Orbiform, công ty sản xuất thiết bị lắp ráp, hiện đang giữ chân người lao động nhưng đang xem xét lại dịch vụ điện thoại của mình và các nhà cung cấp khác; họ tăng lượng hàng trong kho vào thời điểm chi phí cho mỗi đơn vị hàng hoá đang thấp.

Jake Sponsler, chủ tịch của Orbitform, cho hay ông không muốn tuyển mộ thêm lao động mà thay vào đó tìm cách quản lý khối lượng công việc tăng thêm, bao gồm thuê ngoài khi số đơn hàng tăng.

“Nhờ điều này mà chúng tôi vẫn thoải mái khi kinh tế suy giảm đôi chút, và có thể mở rộng nhanh chóng một khi kinh tế phục hồi trở lại”, Sponsler nói./.

Theo Wall Street Journal