Dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM vẫn còn rất phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca nhiễm mới ở TP.HCM vẫn trên dưới 1.000 ca mỗi ngày, số người nhập viện bắt đầu nhiều hơn số người xuất viện, là những dấu hiệu nguy cơ.
Đón F0 nặng ở TP.HCM đi cấp cứu. Ảnh: Hoà Bình
Đón F0 nặng ở TP.HCM đi cấp cứu. Ảnh: Hoà Bình

Không hạn chế vùng cam đi lại

Tại cuộc họp về tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 TP.HCM chiều tối ngày 8/11, trao đổi về phản ánh sau 2 tuần các quán ăn được bán tại chỗ nhưng tình hình mua bán vẫn ảm đạm, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, phản ánh này chưa thể hiện đầy đủ bức tranh chung trên toàn thành phố.

Theo ông Phương, hoạt động mua bán tại các quán ăn không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, mà còn phụ thuộc vào tâm lý người dân. Hiện nay nhiều người vẫn e dè, cẩn trọng khi đến các hàng quán để ăn, uống tại chỗ. Với trách nhiệm của mình, Sở Công thương sẽ phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Y tế, để rà soát, đánh giá cụ thể, làm cơ sở đề xuất, tham mưu UBND về các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thông tin về các gói thuốc điều trị COVID-19 đang được TP.HCM sử dụng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện TP có khoảng 264.500 túi thuốc các loại, 213.076 túi đã được cấp về trung tâm y tế các địa phương. Trong thời gian tới, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, TP sẽ mua thêm 100.000 túi thuốc để hỗ trợ công tác điều trị F0 tại nhà và bệnh viện.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương

Đối với túi thuốc C chứa thuốc kháng vi rút Molnupiravir, ông Nam cho hay, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP.HCM 50.000 túi, trong đó 28.583 túi đã được cấp để điều trị F0. Sắp tới, khi có nhu cầu, TP sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm các túi thuốc này.

Trước thông tin số F0 tại Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn có xu hướng tăng, theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngày 8/11, theo thông báo đánh giá cấp độ dịch của UBND, TP.HCM đang ở cấp độ 2. Cụ thể, có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1, 7/22 địa phương cấp độ 2 và 2/22 địa phương cấp độ 3.

Đối với cấp độ dịch tại phường – xã - thị trấn, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, theo văn bản số 166/TB-UBND, có 1 địa phương được xác định đạt cấp độ 4 là xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Tuy nhiên, thực tế cấp độ dịch tại địa phương là cấp 3. Sự nhầm lẫn của huyện về số liệu dân cư là nguyên nhân dẫn đến sai sót này.

“Khi đánh giá xã Phước Kiển đạt cấp độ 4, huyện Nhà Bè đã tính dân số trên địa bàn xã là hơn 31.000 người. Tuy nhiên, thực tế người dân sống tại Phước Kiển lên đến 60.269. Trong ngày 8/11, huyện Nhà Bè đã có báo cáo điều chỉnh số liệu này”, ông Nam thông tin.

Hiện tại, theo đánh giá cấp độ dịch tại phường, xã, thị trấn, tính đến ngày 8/11, TP.HCM có 13 địa phương đạt cấp độ 3 (vùng cam). Căn cứ Kế hoạch 3515 của UBND TP, việc đi lại của người dân tại các địa bàn là không hạn chế. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành Y tế TP.HCM đã có phương án giao lại các Trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành Y tế TP.HCM đã có phương án giao lại các Trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai

Duy trì hoạt động của các Trạm y tế lưu động

Liên quan đến các trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, khi tình hình dịch bệnh diễn căng thẳng, TP đã thành lập 550 trạm y tế lưu động kết hợp 312 trạm y tế phường – xã - thị trấn đảm bảo việc chăm sóc F0 tại nhà, từ việc hỏi thăm sức khỏe qua điện thoại, theo dõi sức khỏe cũng như cấp phát các túi thuốc A,B,C cho F0 đang trong quá trình điều trị.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành Y tế TP đã có phương án giao lại các Trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế.

Hiện nay, việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Tại các địa phương có ca F0 còn cao, Sở Y tế tiếp tục duy trì, huy động và mở thêm các trạm y tế lưu động, phấn đấu mỗi trạm chăm sóc tốt nhất từ 50 - 100 F0 tại nhà.
Cụ thể, tuần vừa qua, Sở đã huy động, mở thêm 40 trạm Y tế lưu động tại Hóc Môn. Tại huyện Nhà Bè, sau khi kiểm tra thực tế, Sở ghi nhận có 772 ca F0 đang điều trị tại nhà và có 7 trạm y tế lưu động, do đó Sở đang đề xuất thành lập thêm ít nhất 15 trạm y tế lưu động để có thể chăm sóc tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà.

Trước vấn đề duy trì hoạt động các trạm y tế lưu động sau khi lực lượng quân y rút quân, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin, ngành Y tế TP đã có phương án giao lại cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế. Các trạm y tế lưu động sẽ được giao cho các bệnh viện trên địa bàn bao gồm các bệnh viện công lập, bệnh viện ngoài công lập cũng như huy động các thầy thuốc ở các phòng mạch, phòng khám tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc "Mở cửa phải an toàn"
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc "Mở cửa phải an toàn"

Trả lời câu hỏi “Bao giờ Grab bike, quán bar, vũ trường, karaoke được hoạt động trở lại?”, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc “Mở cửa phải an toàn – An toàn tới đâu mở cửa tới đó”.

Nhìn lại các con số trong những ngày gần đây, ông Phạm Đức Hải nhận định, số ca mắc mới dù có giảm so với tuần trước nhưng vẫn còn trên dưới 1.000 ca. Nếu tuần trước chỉ có 4 phường – xã – thị trấn ở cấp 3 trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh, thì tuần này đã lên 13 phường – xã – thị trấn. Tuần trước không có quận – huyện nào ở cấp độ 3, thì tuần này có huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Ngoài ra, số ca nhập viện nhiều hơn số ca xuất viện, đây cũng là một nguy cơ. Có thể nhận thấy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn còn rất phức tạp.