Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 7/8 cho hay vào sáng ngày 7/8, trong trận chung kết môn bắn súng hơi nam Olympic Rio năm 2016, lão tướng Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam 41 tuổi (là một Đại tá trong QĐNDVN) đã đạt 10,7 điểm ở loạt đạn cuối cùng, thực hiện được một sự đảo ngược thần kỳ, cuối cùng giành huy chương vàng vào thành tích 202,5 điểm.
Còn xạ thủ mà Hoàn Cầu Thời báo mệnh danh là "thiên tài gốc Hoa" người Brazil Felipe Almeida Wu đứng thứ hai với 202,1 điểm. "Danh tướng" Trung Quốc là Bàng Vĩ có thành tích 180,4 điểm, đứng thứ ba.
Do Bàng Vĩ chỉ đạt huy chương đồng, đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn đang chờ đợi có được chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Olympic Rio lần này.
Trong môn thi đấu bắn súng hơi lần này, tại 3 loạt đạn đầu tiên, thành tích của vận động viên Bàng Vĩ (Trung Quốc) là 29,4 điểm, xếp thứ 6 trong số 8 tuyển thủ, tạm thời đứng đầu là tuyển thủ Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam với thành tích 31,5 điểm.
3 loạt đạn sau đó, Bàng Vĩ có lúc lên lúc xuống, thành tích là 30,1 điểm. Như vậy, thành tích của Bàng Vĩ trong 6 loạt đạn đầu là 59,5 điểm, tiếp tục đứng thứ 6.
Bước vào đợt đấu loại trực tiếp khốc liệt. Bàng Vĩ kịp thời điều chỉnh trạng thái, loạt đạn thứ 7 đạt 10,3 điểm, loạt đạn thứ 8 đạt 9,9 điểm. Thành tích của Bàng Vĩ trong 8 loạt đạn đầu là 79,7 điểm, vẫn xếp thứ 6, tuyển thủ Ấn Độ vượt lên đứng đầu.
Trong loạt thứ 9, Bàng Vĩ đạt 10,5 điểm; loạt thứ 10 đạt 9,8 điểm. Lúc này Bàng Vĩ vươn lên đứng thứ 5. Loạt thứ 11, Bàng Vĩ được 10,3 điểm; loạt thứ 12 được 10,6 điểm, tổng thành tích là 120,9 điểm, vươn lên vị trí thứ 4.
Loạt thứ 13, Bàng Vĩ mắc sai lầm chỉ đạt 8,7 điểm; loạt thứ 14 đạt 10,4 điểm; loạt thứ 15 đạt 9,8 điểm; loạt thứ 16 đạt 9,8 điểm. Lúc này thành tích của Bàng Vĩ là 159,6 điểm, xếp thứ ba.
Loạt thứ 17, đạt 10,6 điểm, loạt thứ 18 đạt 10,2 điểm. Cuối cùng, thành tích chung của Bàng Vĩ là 180,4 điểm, nhận huy chương Đồng. Cuộc tranh đoạt quán quân cuối cùng diễn ra giữa tuyển thủ Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam và Felipe Almeida Wu của Brazil. Lúc này Hoàng Xuân Vinh tạm thời dẫn trước 0,8 điểm.
Trong loạt thứ 19, do sức ép rất lớn, Hoàng Xuân Vinh chỉ đạt 9,3 điểm; còn Felipe Almeida Wu đạt, 10,3 điểm. Tình hình rất kịch tính. Trong loạt đạn cuối cùng, Felipe Almeida Wu đạt 10,1 điểm; trong khi đó Hoàng Xuân Vinh không hề sốt ruột, anh ngắm chuẩn trong thời gian rất lâu, sau đó bắn chính xác đạt 10,7 điểm.
Đây là một phát bắn thần kỳ! Cuối cùng, Hoàng Xuân Vinh đã làm đảo ngược tình thế, giành được huy chương vàng môn bắn súng hơi nam, nhận được tiếng vỗ tay chúc mừng của tuyển thủ Brazil Felipe Almeida Wu ở bên cạnh.
Bình luận của cộng đồng mạng
Cộng đồng mạng Trung Quốc đã có nhiều bình luận xung quanh sự kiện này. Có một số người chúc mừng vận động viên của nước họ - Bàng Vĩ đã đạt huy chương Đồng, cho rằng mỗi phát bắn của Bàng Vĩ đều đang cổ vũ cho họ “khắc phục khó khăn trong cuộc sống”. Nhưng cộng đồng mạng Trung Quốc phổ biến luồng dư luận cảm thấy hậm hực vì đứng vị trí kém người khác như vậy là điều đáng tiếc.
Có người cho rằng, vận động viên đạt huy chương đồng là “đi xuống dốc”, đội tuyển Trung Quốc ra quân đã gặp bất lợi, nam nữ đều thất bại, có “điềm chẳng lành”.
Họ vẫn đang trông chờ chiếc huy chương vàng đầu tiên sẽ do tuyển thủ nào của Trung Quốc giành được. Chiếc huy chương đầu tiên này khó giành được. Một số thì cực đoan hơn, có ý kiến bình luận cho rằng "Trung Quốc không có huy chương vàng sẽ là “trò cười” cho toàn thế giới".
Phần đông số người tự động viên với đúng tinh thần thể thao rằng: "Mục đích của thể thao là tham gia, không phải là huy chương vàng. Nỗ lực hết sức là được, không cần “liều mạng” vì huy chương vàng. “Quý ở chỗ tham gia và an toàn trở về”. “Sống được và trở về là người chiến thắng”".
Nhưng có người cho rằng, ở Olympic không tranh vị trí dẫn đầu, lẽ nào đi tranh vị trí thứ hai? Mặc dù huy chương vàng thực sự không phải là thước đo trình độ của một nước, nhưng nó thực sự có thể phản ánh tố chất thể thao tổng thể của một nước.
Việt Nam giành huy chương vàng khiến Trung Quốc bất ngờ
Thể thao là thể thao, cạnh tranh là cạnh tranh, nó có thắng thua rõ ràng. Thi đấu thể thao là thi đấu về kỹ thuật và khả năng. Mặc dù phê bình họ sẽ không hay, nhưng không giành được huy chương Vàng thì thật là thất vọng. Lẽ nào đứng thứ hai lại vui mừng so với người đứng thứ nhất?
Có người than phiền rằng tại sao lại để vận động viên người Việt Nam thắng đến “đau lòng”. Việt Nam xếp trước Trung Quốc. Danh dự quốc gia đã bị tổn hại, thực lực không cao hơn người một bậc. Chi nhiều tiền như vậy chẳng có ý nghĩa gì, hãy để tiền đó cho nhân dân lao động".
Có người tỏ thấy tiếc vì người Việt Nam lấy mất huy chương vàng, tỏ thái độ trịch thượng kiểu “nước lớn”, nói rằng đến Việt Nam còn không vượt qua nổi thì (vận động viên Trung Quốc) còn khoe khoang cái gì? Họ yêu cầu Bàng Vĩ cần ra khỏi đội tuyển quốc gia và truy vấn tại sao đội bắn súng Trung Quốc không có tuyển thủ mới, thấy toàn là “lão tướng”.
Có cư dân mạng Trung Quốc dèm pha rằng, Việt Nam giành huy chương vàng thật là “bất ngờ”, cho thấy môn bắn súng có “tính ngẫu nhiên”. Có người lại tỏ ra lo ngại cho rằng lão tướng Việt Nam (Hoàng Xuân Vinh) là quân nhân, do đó quân đội Trung Quốc cần “chú ý”. Trung Quốc ngay cả súng bắn hơi cũng không làm được thì chả làm được gì.
Dân mạng Trung Quốc tìm đủ lý do
Có người đổ tội cho việc yêu cầu huy chương vàng trên hết, định hướng kết quả, làm cho sức ép tâm lý của vận động viên quá lớn. Có người cho rằng Trung Quốc “trong nước bất ổn” ảnh hưởng đến vận động viên.
Có người đổ tội cho hoạt động cổ vũ trong môn bắn súng đã thay đổi, gây ảnh hưởng đến tâm lý vận động viên, cho rằng môi trường thi đấu quá kém, rất “hỗn loạn”, “không hiểu quy tắc”, có nhiều tiếng kêu gào từ khán giả. Thậm chí cho rằng ở Brazil có nhiều “muỗi” cho nên không được nghỉ ngơi tốt. Hơn nữa, có người cho rằng Olympic là một “vấn đề chính trị”.
Nhưng có người bình tĩnh hơn, cho rằng đạt thành tích chưa tốt là do “học nghệ không tinh”, đội Trung Quốc kỹ thuật ngày càng kém. Thi đấu không phải là kêu gào khẩu hiệu, cần dựa vào bản lĩnh, kỹ thuật vững vàng và thực lực. Môi trường thi đấu như vậy công bằng cho tất cả mọi vận động viên.
Họ nghi ngờ về khả năng đạt huy chương vàng của đội bắn súng Trung Quốc tại Olympic lần này.
Có người cho rằng, phía Trung Quốc “văn không đứng đầu, võ không đứng thứ hai, bắn súng là phương thức chiến tranh chủ yếu nhất, thi đấu chính là về thị lực, tố chất tâm lý. Một là không cần cơ bắp khỏe lắm, hai là không cần vóc dáng lớn lắm. Không giành được huy chương vàng thì đã thua hoàn toàn, không có bất cứ lý do gì có thể từ chối”.
Dự đoán tại Olympics Rio
Có người lo ngại rằng các lãnh đạo thể thao Trung Quốc có thể lợi dụng những thành tích của vận động viên để được thăng quan tiến chức - chế độ như vậy cần phải loại bỏ.
Đồng thời yêu cầu các quan chức Tổng cục Thể thao Trung Quốc cần phải thức tỉnh, những vận động viên được chọn đi Rio có vấn đề lớn, nhất là Thái Chấn Hoa (Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc) càng cần thức tỉnh! Tổng cục Thể thao Trung Quốc cần phải “thay máu”.
Có người liên hệ thể thao đến các vấn đề quốc kế dân sinh, cho rằng cải thiện dân sinh, toàn dân tập thể dục, hưởng thụ cuộc sống mới là “đạo lý”.
Cho rằng, hiện nay, người dân Trung Quốc đã có thể bình tĩnh xem xét về huy chương vàng, sự tự tin của “cường quốc” không cần chứng minh chỉ bằng vài tấm huy chương vàng thể thao.
Họ hy vọng chính phủ Trung Quốc thể hiện được khả năng đạt “huy chương vàng” trên các phương diện như khoa học công nghệ, kinh tế, quân sự, dân sinh.
Có người dự đoán tại Olympic Rio lần này cả đoàn thể thao Trung Quốc chỉ có thể giành được khoảng 10 huy chương Vàng.