‘Đồng phục’ taxi: Doanh nghiệp lo mất thương hiệu

Việc các taxi sơn cùng một màu sơn có thể phân biệt được taxi nội thành và ngoại thành, như vậy rất thuận tiện cho công tác quản lý. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp taxi lo ngại sẽ mất đi thương hiệu vốn có của mỗi hãng.
Một số hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Ảnh: Thành Nam
Một số hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Ảnh: Thành Nam

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi lần thứ 4 để lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, đưa ra dự kiến đến năm 2025, Hà Nội thống nhất màu sơn taxi theo khu vực nội thành và ngoại thành.

Lo mất thương hiệu, khó nhận diện

Băn khoăn trước Dự thảo Quy chế này, Chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh cho rằng, hiện Thành phố có nhiều hãng taxi lớn nhỏ khác nhau hoạt động trên địa bàn, khi nhắc đến taxi Mai Linh, khách hàng sẽ nghĩ đến taxi màu xanh lá cây, nói đến taxi Group với màu trắng viền đỏ,...

Chính vì thế, nếu quy định cùng một màu sơn, khách hành sẽ khó nhận diện được logo, thương hiệu hãng taxi, đèn mào hay số điện thoại của hãng.

Còn ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ba Sao, hãng taxi Ba Sao cho rằng: “Việc các taxi sơn cùng một màu có thể giúp phân biệt được taxi thủ đô và taxi ngoại tỉnh, thuận tiện hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi sơn xe chung một màu thì doanh nghiệp uy tín và không uy tín như nhau hết, khiến khách hàng khó nhận diện”.

Về biểu trưng riêng cho taxi Hà Nội, doanh nghiệp cũng đề xuất ý tưởng được dán chung 1 logo như “Khuê Văn Các” với 1 trong 3 màu sơn trắng, ghi, xanh để dán đề can trên thân xe. Điều này giúp doanh nghiệp có màu sơn phù hợp nhất để phối cùng màu logo thương hiệu của mình; bảo đảm thẩm mỹ cũng như đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.

Sẽ bất cập khi phân vùng hoạt động

Dự thảo Quy chế cũng quy định, taxi chỉ được hoạt động (dừng, đậu, đón, trả khách) trong khu mà doanh nghiệp đăng ký khai thác. Chẳng hạn như: Taxi hoạt động tại vùng hai (gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã) khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng một (gồm địa giới hành chính tại các quận) chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại... Ngoài ra, taxi hoạt động tại vùng hai không được sử dụng điểm đậu của taxi hoạt động tại vùng một và ngược lại...”.

Việc phân chia vùng hoạt động, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng sẽ có những bất cập. Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công Nguyễn Anh Quân cho rằng, việc phân chia ra thành taxi ngoại thành, taxi nội thành và taxi khu vực nào chỉ được đón khách ở khu vực đó, thậm chí bị khống chế cả thời gian và địa điểm dừng đỗ trong nội thành đối với taxi ngoại thành gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đây không phải là quản taxi mà đây là hạn chế vùng kinh doanh của taxi. Chúng tôi đang phải cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ, giờ lại bị hạn chế vùng phục vụ thế này, thì rất khó để kinh doanh”, ông Quân nói.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, mục tiêu phân vùng của Sở GTVT TP. Hà Nội để sau này xử lý, ngăn chặn taxi “dù”, taxi “nhái”... Tuy nhiên, nếu phân vùng, các hãng taxi phải đi xin vùng hoạt động và phải tăng bộ máy quản lý, giám sát gây tốn kém, giảm sức cạnh tranh...

Trao đổi với phóng viên về ý kiến của các hãng taxi, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có trên 19.000 xe taxi thuộc 77 doanh nghiệp tham gia. Thời gian gần đây, hoạt động của taxi đang bộc lộ những bất cập. Chất lượng dịch vụ có chiều hướng đi xuống, từ chất lượng phương tiện, người lái cho đến quản trị doanh nghiệp. Giá cước taxi còn cao so với chất lượng cung ứng dịch vụ.

Do đó, quản lý nhà nước bắt buộc phải có những quy chế quản lý nhằm đưa hoạt động taxi vào khuôn khổ. Đó chính là lý do dẫn tới sự ra đời của Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Thủ đô.

Quy chế sẽ được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; từng bước tạo dựng được nếp sống, nếp đi lại văn minh, lịch sự, góp phần đáp ứng được tính bền vững của phát triển đô thị.

“Hiện Sở đang lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP. Hà Nội. Tất cả những lo lắng của các doanh nghiệp có thể xuất phát từ việc chưa hiểu rõ bản chất các quy định được xây dựng trong Dự thảo Quy chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để làm rõ những khúc mắc”, ông Quang nói thêm.

Theo VGP
http://thanglong.chinhphu.vn/%E2%80%98dong-phuc%E2%80%99-taxi-doanh-nghiep-lo-mat-thuong-hieu