Đồng hồ ngày tận thế là gì?
Vào ngày 22/1 vừa qua, tờ Bullettin of Atomic Scientists (Bản tin khoa học nguyên tử) thuộc Đại học Chicago của Mỹ đã công bố rằng Đồng hồ ngày tận thế đã tiếp tục tiến lên phía trước, dừng lại ở mức kém 2 phút tới nửa đêm. Nhưng thực sự thì điều này có ý nghĩa gì?
Bản thân con số này, 2 phút, không thực sự chỉ một điều gì đó cụ thể. Nó không phải là thước đo cho thấy chúng ta còn bao nhiêu thời gian để sống, hay xác suất chính xác của khả năng một sự kiện nào đó mang tính hủy diệt diễn ra. Để dễ hình dung, bạn hãy thử tưởng tượng nhân loại đang đi trên một sợi dây thừng được căng trên một hẻm núi sâu. Nếu như hẻm núi sâu đó đại diện cho chiến tranh hạt nhân, thảm họa do thiên tai, biến đổi khí hậu, hay bất kì viễn cảnh ngày tận thế nào do con người tạo ra, thì Đồng hồ ngày tận thế đại diện cho sự bất ổn của sợi dây mà chúng ta đang đi trên. Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, đây sẽ là lúc mà thế giới chìm trong hỗn loạn và là dấu chấm hết cho nhân loại.
Tuy nhiên, đây là một thước đo chỉ mang tính chủ quan. Không có bất kỳ công thức nào được áp dụng cả. Đồng hồ ngày tận thế là cách mà ban lãnh đạo của tờ Bulletin of Atomic Scientists thể hiện sự lo lắng, quan tâm của mình về các sự kiện đang diễn ra, và là những nỗ lực để truyền đạt sự quan tâm đó tới các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, tới toàn thể công chúng nhằm thúc đẩy những sự thay đổi.
Ban lãnh đạo của Atomic Scientists giống như những khán giả đang chứng kiến màn đi trên dây của nhân loại, gào thét "Sợi dây đang lung lay nhiều lắm!", "Chỉ còn một chút xíu nữa thôi là cậu đã ngã rồi!". Mục tiêu của họ, tất nhiên, là để người đang đi trên dây tập trung lại và điều chỉnh cơ thể để không bị ngã xuống – hay nói cách khác, để nhân loại nhận ra rằng họ đang hướng tới một tương lai đen tối và có những biện pháp đấu tranh như hạn chế sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, ngăn cản biến đổi khí hậu,…
Đồng hồ ngày tận thế từ đâu mà có?
Vào năm 1947, một nhóm các nhà khoa học kỳ cựu đến từ Học viện Manhattan có tên Chicago Atomic Scientists đã đặt một chiếc đồng hồ, với kim phút đặt ở mốc kém 7 phút tới nửa đêm lên trang bìa tạp chí của họ, tờ Bulletin of Atomic Scientists. Điều này thể hiện mối lo ngại của họ về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với Liên bang Xô Viết đang ngày càng lớn.
Kể từ năm 1947, các thành viên trong ban lãnh đạo đã điều chỉnh Đồng hồ ngày tận thế tổng cộng 23 lần – có lúc tiến, có lúc lùi. Lần gần nhất Đồng hồ ở gần mức nửa đêm như thế này là vào năm 1953, khi Mỹ và Liên Xô bắt đầu thử nghiệm bom nhiệt hạch. Năm 1991, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, Đồng hồ đã quay ngược về mức kém 17 phút tới nửa đêm. Đến năm 2007, Đồng hồ ngày tận thế bắt đầu tính thêm cả những mối lo ngại khác bên cạnh chiến tranh hạt nhân: biến đổi khí hậu, vũ khí sinh học, trí tuệ nhân tạo "phản thầy" hay chiến tranh mạng.
Trong năm ngoái, Đồng hồ được đặt ở mốc kém 2 phút rưỡi tới nửa đêm. Đây cũng là lần đầu tiên tờ Bulletin sử dụng đơn vị giây, khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng nở rộ, những phát ngôn ngông cuồng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu, hay những mối đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga. Giờ đây, Đồng hồ đã chỉ 11 giờ 58 phút, gần với mức nửa đêm nhất kể từ năm 1953.
Ông John Mecklin, thành viên của ban lãnh đạo tờ Bulletin viết trong thông báo: "Trong năm 2017, chúng ta đã thấy những màn "đấu khẩu" khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân lớn hơn bao giờ hết, đồng thời nhận ra rằng việc cực tiểu hóa các đánh giá dựa trên bằng chứng về khí hậu và các thách thức mang tính toàn cầu khác không mang lại các chính sách tốt hơn. Ban Khoa học và An ninh của Bulletin đã một lần nữa đánh giá sự thiếu tiến bộ trong việc quản lý các công nghệ có sức mạnh đủ để đưa con người bước vào kỷ nguyên mới hay đẩy nhân loại xuống bờ vực diệt vong".
Có một điều đáng để chúng ta lưu ý là Đồng hồ ngày tận thế không di chuyển để trả lời cho một sự kiện nhất định. Thay vào đó, ban lãnh đạo của Bulletin tiến hành họp hai lần trong một năm để thảo luận liệu có nên di chuyển Đồng hồ hay không, dựa trên tình hình chung của thế giới. Một bài tweet của ông Trump, tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên hay thậm chí là một cuộc tấn công khủng bố cũng chưa chắc đã khiến Đồng hồ di chuyển. Ngay cả cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962 cũng không khiến Đồng hồ nhúc nhích dù chỉ một chút.
Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải hành động để ngăn không cho nhân loại rơi xuống vực thẳm. Mỗi hành động, dù là nhỏ nhất, nếu được kết hợp lại sẽ tạo thành một sức mạnh đủ để xoay chuyển vận mệnh của cả thế giới.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư