Đội WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 hứng “bão” chỉ trích và ngờ vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Đội chuyên gia tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 đang hứng vô số chỉ trích, và hàng loạt câu hỏi về nguồn gốc của virus corona và thái độ hợp tác của Trung Quốc.
Trưởng nhóm điều tra của WHO Peter Ben Embarek tại sân bay Vũ Hán hôm 10/2 (Ảnh: Reuters)
Trưởng nhóm điều tra của WHO Peter Ben Embarek tại sân bay Vũ Hán hôm 10/2 (Ảnh: Reuters)

Sau gần một tháng làm việc tại nơi được coi là khởi nguồn của dịch bệnh, một vấn đề khác được nêu ra là thẩm quyền bị hạn chế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi tổ chức một cuộc điều tra tại một quốc gia có chủ quyền.

Một tuần lễ đã trôi qua kể từ khi đội chuyên gia của WHO tổ chức cuộc họp báo ở Vũ Hán, nơi dịch lần đầu được phát hiện vào cuối năm 2019. Tại sự kiện đó, một quan chức WHO đã nói rằng giả thuyết virus corona thoát khỏi một phòng thí nghiệm là “gần như không xảy ra”, thêm rằng nó có thể bắt nguồn từ thực phẩm đông lạnh – như giả thuyết mà Bắc Kinh từng đưa ra.

Nhiều ngày kể từ sau cuộc họp báo đó, chính phủ Mỹ và Anh đã đặt ra nhiều nghi vấn, trong đó Mỹ nói rằng Trung Quốc không có sự minh bạch cần thiết. Các thành viên trong đội chuyên gia WHO, trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, giải thích rằng họ gặp một số hạn chế trong sứ mệnh lần này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó phải ra mặt nói rằng “mọi giả thuyết về nguồn gốc virus đều đang được xem xét”.

Trong lúc đội ngũ của WHO lên tiếng giải thích về sự kém hiệu quả trong nhiệm vụ lần này, mọi con mắt đều đổ dồn về các báo cáo đến từ đội ngũ ở Vũ Hán – báo cáo đầu tiên dự kiến đưa ra trong tuần này, và bản cuối cùng sẽ công bố sau đó. Giới chuyên gia y tế toàn cầu nói rằng họ đang tập trung vào nội dung các báo cáo này.

“Minh bạch và minh bạch. Đó chính là tên của trò chơi này” – bà Ayelet Berman, chuyên gia y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật quốc tế, ĐH Quốc gia Singapore, nói – “Cách duy nhất để có được mức độ tín nhiệm nào đó là phải đảm bảo rằng bản báo cáo phải chi tiết nhất có thể”.

Kết luận nghèo nàn

Thành viên nhóm điều tra của WHO, Dominic Dwyer, tại Viện Virus học Vũ Hán ngày 3/2 (Ảnh: Reuters)

Thành viên nhóm điều tra của WHO, Dominic Dwyer, tại Viện Virus học Vũ Hán ngày 3/2 (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, đội chuyên gia của WHO kết luận rằng, “rất có khả năng” chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bắt nguồn từ một cá thể dơi và sau đó lây nhiễm cho nhiều người thông qua một loài động vật trung gian. Nhưng họ lại không đưa ra kết luận về quá trình này – điều mà giới chuyên gia nói rằng sẽ phải mất nhiều năm mới làm rõ được, nếu có.

Một vấn đề khác được đặt ra chính là về quyền tiếp cận thông tin bị Trung Quốc hạn chế trong nhiệm vụ của nhóm chuyên gia WHO.

Mẫu xét nghiệm thu được từ tháng 11/2019, cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được sự lây lan của dịch COVID-19 ở Vũ Hán, vẫn chưa được nhóm chuyên gia WHO tiếp cận; theo Marion Koopmans, chuyên gia virus học và là thành viên trong đoàn điều tra.

Trưởng nhóm điều tra của WHO, Peter Ben Embarek, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Science, cũng nói rằng các đội ngũ quốc tế và của Trung Quốc đã thảo luận về cách truy xuất các tài liệu trong bệnh viện để tìm ra những ca nhiễm đầu tiên. Và tiêu chí khác nhau của mỗi bên đã làm nảy sinh thêm hàng trăm ca nhiễm tiềm tàng xuất hiện thêm, và cần thêm thời gian để nghiên cứu.

WHO không đủ quyền lực

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sulivan hôm thứ Bảy tuần trước đã thể hiện quan ngại về kết quả điều tra sơ bộ của WHO ở Vũ Hán và kêu gọi Trung Quốc “công khai dữ liệu của họ về những ngày đầu tiên bùng phát dịch”.

Anh cũng ủng hộ quan điểm của Mỹ, khi Thủ tướng Boris Johnson hôm đầu tuần này nói rằng các siêu cường thế giới nên ký một hiệp ước toàn cầu về dịch bệnh nhằm đảm bảo mức độ minh bạch cần thiết.

Chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng bác bỏ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của họ. Giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với WHO và nhiệm vụ điều tra lần này.

Giới chuyên gia thì cho rằng WHO bị hạn chế, bởi khó có thể thúc ép Trung Quốc cho phép tiếp cận thêm dữ liệu – như việc công khai dữ liệu bệnh nhân, hay kiểm tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán – chiếu theo luật pháp quốc tế.

“WHO không có bất kỳ sức mạnh pháp lý chính thức nào để buộc Trung Quốc cung cấp những dữ liệu như vậy” – Bà Berman nói – “Theo góc nhìn từ dư luận, WHO trông thật yếu đuối….nhưng có sự khác biệt giữa kỳ vọng của dư luận và thực tế về quyền lực của WHO”.