Theo chính quyền Tokyo, họ đã điều 2 máy bay do thám và 2 tàu khu trục tới khu vực Đông Bắc Okinawa để theo dõi hoạt động của các tàu Trung Quốc.
Vụ việc xảy ra giữa lúc mà căng thẳng trong khu vực vẫn đang ở mức cao và Trung Quốc liên tục đưa ra tuyên bố về quy định mới buộc các tàu nước ngoài đang hoạt động trên khu vực Biển Đôngphải tuân theo. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông, bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng họ đang theo dõi tàu khu trục và tàu ngầm của Trung Quốc trong lúc hai con tàu này hoạt động bên trong vùng tiếp giáp lãnh hải, liền kề với khu vực 12 hải lý thuộc lãnh hải Nhật Bản. Được biết vùng tiếp giáp lãnh hải này có chiều rộng 12 hải lý.
Theo luật pháp quốc tế, các tàu nước ngoài được phép đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải, nhưng tàu ngầm thì được yêu cầu phải ngoi lên mặt nước, tự xác nhận danh tính và quốc tịch của tàu nếu như đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.
Tuy nhiên, Garren Mulloy – Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Daito Bunka – nói rằng, sự hiện diện cùng với quốc tịch của con tàu này là điều quá dễ đoán.
“Vật thể dưới nước này đang hoạt động ở vị trí rất sát với một tàu khu trục Trung Quốc” – ông Mulloy nói – “Thêm nữa, quân đội Nhật Bản đã có kinh nghiệm theo dõi tàu ngầm nước ngoài suốt nhiều năm liền, mỗi loại tàu đều có “tín hiệu âm thanh” giúp họ nhận diện nó. Nếu như đây là một tàu ngầm Nga, vậy thì nó có tín hiệu âm thanh khác và Bộ Quốc phòng Nhật đã không cho nó là của Trung Quốc rồi”.
Ông Mulloy tin rằng con tàu này đang tham gia vào một số nhiệm vụ ở các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, thêm rằng gần như chắc chắn rằng đã có nhiều vụ xâm phạm hoặc không bị phát hiện hoặc không được công bố với giới truyền thông.
“Quân đội Trung Quốc đang quan sát rất kỹ những khu vực mà lực lượng của họ có thể tham gia chiến đấu trong tương lai” – ông Mulloy nói thêm - “Trung Quốc cần phải đủ khả năng để đưa những chiến hạm của họ ra khỏi các vùng nước nông ven bờ ở biển Hoa Đông tới vùng biển sâu ở Thái Bình Dương và vượt xa Nhật Bản, bởi đó là nơi mà họ có thể đối diện với kẻ địch chính của họ, nước Mỹ”.
“Bởi vậy mà Trung Quốc cần phải tìm hiểu xem làm thế nào để các tàu của họ nhanh chóng đến được Tây Thái Bình Dương, cùng lúc tìm hiểu kỹ về độ sâu của nước, thông tin về các dòng hải lưu, hoặc có bất cứ con kênh sâu nào mà họ có thể sử dụng hay không” – Mulloy nhận định.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc đưa ra các nhiệm vụ kiểu này, đó là quan sát xem các lực lượng Nhật Bản sẽ phản ứng ra sao, và khả năng của họ trong việc theo dõi hoạt động của tàu ngầm, theo Mulloy.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã chỉ đạo quân đội nước này “thu thập thông tin và cảnh giác cao độ với cảm giác khẩn cấp”, trong khi nhiều báo cáo của giới truyền thông chỉ ra một tàu ngầm khác – được tin là cũng của Trung Quốc – đã được phát hiện trong cùng khu vực vào tháng 6/2020.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng cáo buộc phía Nhật chơi trò “quảng cáo công chúng” vì động cơ “kín đáo” về một mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Tờ báo này dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng, phía Nhật Bản dự định lợi dụng vụ việc này “làm cái cớ để phá vỡ hiến pháp hòa bình của họ”.