Tờ Nhật báo Nhân Dân Trung Quốc phiên bản hải ngoại ngày 16/8 dẫn tờ The Times of India cho hay Chính phủ Ấn Độ lấy lý do “lo ngại dữ liệu bị lộ đe dọa an ninh”, tiến hành cảnh báo các nhà chế tạo điện thoại di động Trung Quốc, yêu cầu họ sửa chữa theo thời gian quy định, đồng thời bắt đầu tiến hành điều tra quy mô lớn đối với các sản phẩm điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính phủ Ấn Độ “nghi ngờ các nhà chế tạo điện thoại di động Trung Quốc đang ăn cắp thông tin của khách hàng”, chẳng hạn danh bạ và thông tin trong email, cho rằng họ đang thực hiện các hành vi “tin tặc”, coi đây là lý do để cảnh cáo, yêu cầu các nhà chế tạo điện thoại di động thông minh lớn của Trung Quốc tiến hành sửa chữa theo thời hạn quy định.
Mặc dù các hãng di động của Ấn Độ cùng với các hãng Apple, Samsung cũng nhận được thông báo tương tự, nhưng đối tượng thu được lời cảnh cáo phần lớn là các thương hiệu điện thoại di động của Trung Quốc. Lời cảnh cáo lần này do Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ (TRAI) đưa ra, đã thông báo cho tổng cộng 21 công ty.
Một quan chức Ấn Độ cho biết: “Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các công ty này tiến hành sửa chữa theo các điều khoản an ninh của Ấn Độ trước ngày 28/8. Chính phủ cũng có thể tiến hành điều tra để đảm bảo các quy định được áp dụng”. Quan chức này còn cho biết: “Nếu những công ty này bị phát hiện vi phạm quy định thì sẽ bị trừng phạt”.
Một nghiên cứu gần đây của Tập đoàn công nghiệp Ấn Độ cho thấy thị phần của các doanh nghiệp Trung Quốc trong ngành viễn thông mới nổi của Ấn Độ ngày càng tăng, đạt gần 22 tỷ USD.
Điều này đã gây phản ứng mạnh mẽ trong Chính phủ Ấn Độ. Họ cho rằng những doanh nghiệp Trung Quốc này có thể thu thập phi pháp các thông tin cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
Một nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ tiết lộ: “Chính phủ Ấn Độ cho rằng rất nhiều thiết bị điện tử của Trung Quốc truyền hoặc lưu dữ liệu vào máy chủ ở Trung Quốc, điều này có thể sẽ gây ra rủi ro an ninh, đặc biệt là khi tình hình căng thẳng biên giới hai nước trầm trọng hơn”.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ tiến hành gây sức ép chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngày 9/8, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố tiến hành thu thuế chống bán phá giá đối với 93 loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện nay, cân bằng thương mại giữa Trung - Ấn đang nghiêng về Trung Quốc, thâm hụt thương mại đã lên tới 51,09 tỷ USD, rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Ấn Độ, điện thoại di động thông minh của Trung Quốc thậm chí đã chiếm được “nửa giang sơn”, tác động lớn đến công nghiệp địa phương của Ấn Độ.
Trước đó, một báo cáo của cơ quan điều tra Ấn Độ cho hay so với hàng hóa của địa phương Ấn Độ, người tiêu dùng Ấn Độ muốn mua hàng hóa Trung Quốc hơn, vì có Trung Quốc có ưu thế về giá của các sản phẩm cùng loại.
Tháng trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết nửa đầu năm 2017, Ấn Độ đã tiến hành 12 cuộc điều tra thương mại đối với Trung Quốc, tiếp tục trở thành quốc gia tiến hành điều tra thương mại nhiều nhất đối với Trung Quốc.
Căn cứ vào “Báo cáo thương mại song phương Trung - Ấn năm 2016” được Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc công bố vào tháng 2/2017, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và UAE, trở thành đối tác thương mại lớn nhất và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Năm 2016, kim ngạch thương mại Trung - Ấn đạt 71,18 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ là 11,75 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 59,43 tỷ USD, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là 47,68 tỷ USD.
Lam Kiến Học, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc tại Ấn Độ, chuyên gia vấn đề Nam Á, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng trong nhiều năm qua Trung Quốc luôn là đối tượng trọng điểm chống bán phá giá của Ấn Độ.
Nhưng theo Lan Kiến Học, xét tới tình hình đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Trung - Ấn, Ấn Độ áp dụng biện pháp này trong thời điểm hiện nay cũng có thể là để đáp lại làn sóng phản đối Trung Quốc ở trong nước.