Chỉ thị “không nhượng bộ
Theo báo chí Ấn Độ ngày 13/7, để nhận được sự đồng tình và thống nhất quan điểm giải quyết vấn đề biên giới Trung - Ấn ở trong nước, trước kỳ họp mới của Quốc hội Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã chủ động tiến hành “phối hợp lập trường” với đảng đối lập.
Vì vậy, trong ngày 13/7, các quan chức cấp cao Ấn Độ gồm Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã tiến hành gặp gỡ nhà lãnh đạo các đảng đối lập chính của Ấn Độ, giới thiệu tình hình các vấn đề như đối đầu biên giới Trung - Ấn, giao tranh Ấn Độ - Pakistan ở Kashmir, hy vọng loại bỏ sự bất mãn của các đảng đối lập, thúc đẩy đồng thuận về chính sách ngoại giao.
Theo trang tin News18, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có nhiều thay đổi trong chính sách đối với Pakistan. Trước là muốn xa lánh Pakistan, sau đó Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj lại bất ngờ thăm Pakistan. Nhưng sau một loạt sự kiện, Chính phủ Ấn Độ lại bắt đầu cô lập Pakistan.
Trong đối đầu biên giới Trung - Ấn, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi hy vọng phe đối lập Ấn Độ không nên làm nóng vấn đề này tại Quốc hội sắp tới.
Nội bộ Chính phủ Ấn Độ có một mối lo ngại, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật tương tự với Ấn Độ như trong “tranh chấp đảo” với Nhật Bản và Philippines. “Trung Quốc luôn tiến 2 bước trước, sau đó lùi 1 bước”.
Trong 4 tuần đối đầu biên giới Trung - Ấn, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ đưa ra 1 tuyên bố, điều này có khác biệt rõ rệt so với Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phía Trung Quốc hầu như hàng ngày đều ra tuyên bố. Nguồn tin từ Ấn Độ nói: “Chính phủ Ấn Độ tạo ra một cảm giác hầu như là có ý làm mờ nhạt đối đầu với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Quân đội Ấn Độ đã nhận được chỉ thị ‘không nhượng bộ’”.
Nguyên nhân đối đầu kéo dài
Theo tờ India Today ngày 13/7, trong vài chục năm qua, đối đầu quân sự giữa Trung - Ấn nhiều nhất là kéo dài vài tuần, nhưng đối đầu Trung - Ấn ở khu vực Sikkim lần này đã liên tục 1 tháng, điều này có liên quan đến cải cách quân sự của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc trực tiếp nghe lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi đó ông Tập Cận Bình tìm mọi cách để Quân đội Trung Quốc mạnh và tinh gọn hơn.
Cuối năm 2014, 5 tháng sau khi ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, ông Tập Cận Bình chủ trì một hội nghị thời gian 2 ngày với 400 sĩ quan cao cấp. Trên cơ sở đó, ông Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm quân số, đào thải những trang thiết bị quân đội lỗi thời, phát triển hệ thống vũ khí mới.
Sau đó, Quân đội Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, đặc biệt là đuổi kịp phát triển khoa học công nghệ về trinh sát, giám sát. Ông Tập Cận Bình yêu cầu tăng cường năng lực phản ứng nhanh, mục tiêu là để lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể sử dụng khoa học công nghệ hiện đại để đánh chiến tranh hiện đại.
Trung Quốc đã đầu tư 13,5 tỷ USD vào công ty mới ở Mỹ để phát triển trí tuệ nhân tạo cho người máy quân đội. Trung Quốc là nước kế tiếp Mỹ tiêu nhiều tiền cho mục đích quân sự, còn Ấn Độ xếp vị trí thứ năm.
Năm 2016, Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ 7 đại quân khu, thay thế bằng 5 chiến khu, lần lượt là Chiến khu miền Đông, Chiến khu miền Tây, Chiến khu miền Nam, Chiến khu miền Bắc và Chiến khu Trung tâm.
Trong đó, Chiến khu miền Nam liên quan đến khu vực Doklam, nơi xảy ra đối đầu với Quân đội Ấn Độ. Một trong những mục đích tiến hành cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình là để quân đội hỗ trợ cho những chủ trương “chủ quyền” và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là lý do Quân đội Trung Quốc vẫn chưa rút lui cho dù đối đầu đã diễn ra 1 tháng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu