Đối đầu biên giới Trung - Ấn đã kéo dài một khoảng thời gian, hai bên đều chưa có dấu hiệu rút quân. Theo truyền thông Mỹ ngày 11/7, Ấn Độ hiện điều động 2.500 quân đến biên giới, thậm chí đã lập ra một đại đội chuyên làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần.
Báo chí Ấn Độ cho biết lực lượng biên phòng Ấn Độ đã làm tốt chuẩn bị “đánh lâu dài” ở khu vực Doklam, không có dấu hiệu rút quân.
Theo tờ First Post Ấn Độ, quân đội nước này đã dựng trại đóng quân và triển khai công tác bảo đảm hậu cần. Trừ phi Trung Quốc chủ động rút quân, còn Ấn Độ kiên trì đối đầu với Trung Quốc ở tuyến biên giới đoạn Sikkim cách mực nước biển trên 3.000 m.
Trang tin Đa Chiều tiếng Hoa cho rằng nhìn vào tình hình thực tế, khu vực Doklam hoàn toàn không phải là một nơi lý tưởng để tác chiến. Khu vực này gập ghềnh, đường sá không thuận lợi. Do sức ép hậu cần, sư đoàn miền núi cho dù áp dụng cách làm tấn công thì chiến tuyến cũng tương đối ngắn.
Theo chuyên gia quân sự, với tình hình này, thông thường nhiệm vụ của thê đội 1 thuộc sư đoàn miền núi sẽ không vượt qua 2 mục tiêu chiến thuật, khả năng tác chiến liên tục rất hạn chế.
Nếu xung đột xảy ra, một lựa chọn ưu tiên của hai bên là “đánh nhanh thắng nhanh”, tiến hành một cuộc chiến mang tính “đỏ đen”.
Ngoài tăng quân ở biên giới, Ấn Độ cũng sẽ cho phép chính quyền lưu vong Tây Tạng tổ chức lễ chúc mừng Dalai Lama tròn 82 tuổi ở khu vực biên giới giữa Kashmir và Tây Tạng.
Đối với vấn đề này, Tiền Phong, nhà nghiên cứu các vấn đề Nam Á của Trung Quốc đã chỉ trích Ấn Độ “chơi con bài Tây Tạng” trong tình hình biên giới căng thẳng.
Tuy nhiên, tờ Đa Chiều cho biết Bí thư Đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar ngày 11/7 đã có bài phát biểu tại Singapore. Trong bài phát biểu này, phía Ấn Độ không mong muốn hai nước xảy ra xung đột, đồng thời hy vọng căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử, hợp tác giải quyết cuộc đối đầu lần này, làm cho quan hệ Trung - Ấn quay trở lại quỹ đạo bình thường, tránh để cuộc đối đầu lần này gây thiệt hại lớn cho quan hệ Trung - Ấn. Đây được coi là lần đầu tiên Ấn Độ chủ động lên tiếng “giảm nhiệt” trong gần 1 tháng qua.
Tờ báo này cho rằng mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng quân ở biên giới, không khí căng thẳng chẳng khác nào như chiến tranh sắp xảy ra. Tuy nhiên, đến nay quân đội hai bên vẫn còn đang thăm dò, hoàn toàn không muốn mạo hiểm gây chiến.
Trung Quốc nói rằng họ tiến hành tăng quân ở khu vực này là để “bảo vệ sự ổn định của khu vực biên giới, tiếp tục thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, ngăn chặn sự can thiệp của Quân đội Ấn Độ”.
Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực này nhằm mục đích xây dựng “Vành đai và con đường”. Nhưng việc xây dựng này rõ ràng đã đụng chạm đến chủ trương chủ quyền của Ấn Độ.
Cùng với thái độ ủng hộ xây dựng “Vành đai và con đường” từ các nước láng giềng của Ấn Độ bao gồm Nepal, Bangladesh và Pakistan, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Nam Á trong khuôn khổ sáng kiến này đã đạt được một số thành quả.
Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện xây dựng ở phương hướng tây nam, tăng cường xây dựng đường sắt ở Tây Tạng, từ đó tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực Nam Á.
Do đó, Bắc Kinh hoàn toàn không muốn để xảy ra đối lập hoàn toàn với Ấn Độ. Hiện nay, trọng điểm của Trung Quốc vẫn là tạo ra một môi trường bên ngoài hòa bình cho phát triển kinh tế trong nước.
Trong khi đó, Ấn Độ tăng quân ở biên giới, áp dụng lập trường cứng rắn chính là để gây sức ép, ngăn chặn Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ấn Độ hy vọng có thể ép được Trung Quốc nhượng bộ, đặc biệt là do khu vực Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng là một khu vực rất quan trọng đối với quốc phòng của Ấn Độ.
Nhìn vào những lợi ích mà hai bên kiên trì theo đuổi ở khu vực này, có thể thấy Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục kéo dài cuộc đối đầu ở khu vực này, cũng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chiến tranh là điều mà cả hai bên đều không mong muốn.
Đa Chiều còn nhấn mạnh rằng hiện nay, sức mạnh quân sự của Ấn Độ không chiếm ưu thế so với Trung Quốc, tức là Ấn Độ sẽ không dám khai chiến với Trung Quốc và nếu khai chiến thì sẽ khó thắng được Trung Quốc. Trên thực tế, hai bên đều không muốn phải trả giá to lớn vì chiến tranh.
Hơn nữa, xung đột biên giới không phải là toàn bộ quan hệ Trung - Ấn. Nếu xảy ra phán đoán nhầm về điều này thì hợp tác hai nước trong các diễn đàn như BRICS, SCO sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Trung Quốc còn đang mong muốn đẩy mạnh xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh, triển khai xây dựng “Vành đai và con đường”.
Một khi hai nước xảy ra chiến tranh, việc thúc đẩy chiến lược ở khu vực Nam Á nhiều năm qua của Trung Quốc sẽ đổ xuống sông xuống biển. Đây là kết quả mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy.
Đối đầu Trung - Ấn ở khu vực biên giới hiện đã gây lo ngại cho dư luận của hai bên, nhất là đối với những thành phần có quan hệ lợi ích chặt chẽ với nhau như giới thương nhân có quan hệ làm ăn của hai nước.
Tuy nhiên, Mohammad Sadiq, Tổng thư ký Hội xúc tiến văn hóa kinh tế Ấn Độ - Trung Quốc lạc quan cho rằng xung đột biên giới sẽ nhanh chóng qua đi, thương nhân Trung Quốc ở Ấn Độ vẫn an toàn như trước đây. Ngày 10/7, quan chức thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ khẳng định Ấn Độ và Trung Quốc tiếp giáp nhau, có truyền thống hợp tác lâu đời.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu